Xây dựng nông thôn mới: Khoan sức dân

Xây dựng nông thôn mới: Khoan sức dân
Chương trình xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 800/QĐ-TTg thực sự là chương trình “đúng ý Đảng, hợp lòng dân” với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thay đổi cơ sở hạ tầng vùng nông thôn. Nguồn lực xây dựng nông thôn mới được huy động từ nhiều “kênh” khác nhau, trong đó có phần đóng góp quan trọng của người dân.

 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Chủ trương xã hội hóa, huy động sự đóng góp của người dân nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn hiện nay, vấn đề đáng quan tâm là cần “khoan sức dân” sao cho phù hợp để không khiến các khoản đóng góp trở thành gánh nặng quá sức đối với người dân.

Sau 3 năm thực hiện, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đã thu được những thành quả bước đầu. Bộ mặt các vùng nông thôn thực hiện chương trình đã có nhiều khởi sắc. Cùng với việc hoàn thành các tiêu chí của chương trình, hạ tầng kinh tế - xã hội và các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng dân cư ở nhiều xã được quan tâm đầu tư phát triển.

Hệ thống đường giao thông được nâng cấp, làm mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi, buôn bán của người dân. Nhiều nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng khang trang ở các khu dân cư là cơ hội để người dân tiếp cận với các thiết chế văn hóa, giao lưu mở mang tri thức, nâng cao dân trí. Cùng với đó, các vấn đề phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được cải thiện đáng kể, tình hình an ninh nông thôn và trật tự xã hội trên địa bàn được bảo đảm.

Để đạt được những thành tựu nêu trên, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách nhà nước, sự đóng góp về sức người, sức của từ phía người dân là rất quan trọng. Mặc dù vậy, thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số địa phương huy động sức dân quá mức khiến các khoản đóng góp trở thành gánh nặng đối với người dân. Điều này đã ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của người dân trong việc tự giác thực hiện cuộc vận động. Đồng thời, làm sai lệch mục đích, ý nghĩa ban đầu của chương trình xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

Từ năm 2008, Chính phủ đã có chủ trương miễn, giảm nhiều khoản thu phí nhằm giảm bớt gánh nặng đóng góp cho nông dân. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, việc miễn, giảm các loại phí đóng góp khiến đời sống người nông dân phần nào “dễ thở” hơn.

Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, do quá nôn nóng “chạy đua” với tiến độ thực hiện các tiêu chí của chương trình nên không ít địa phương đã tạo sức ép lên người dân bằng các khoản thu.

Những khoản phí để hoàn thành các hạng mục về cơ sở hạ tầng như: Nhà văn hóa, đường giao thông, trạm y tế, trường mầm non… nhiều khi vượt quá khả năng đóng góp của người dân. Trong Hội nghị giao ban về kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh phía Bắc vừa qua, có địa phương báo cáo đã huy động từ 3 - 5 triệu đồng/hộ dân mỗi năm.

Thực tế, không ít địa phương vì sốt ruột với thành tích đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới nhưng do không có vốn đầu tư nên đã chọn cách “bổ” theo đầu người, đầu hộ để thu. Thậm chí, để tận thu bằng được, có nơi đã đưa ra “sáng kiến” áp mức “trần” phải đóng góp đối với các hộ dân.

Nếu hộ nào không đóng, UBND xã sẽ không đóng dấu xác nhận cho các công việc hành chính liên quan. Những biện pháp mang tính mệnh lệnh, áp đặt nêu trên vừa gây ức chế, bức xúc cho người dân vừa không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Chủ trương “khoan sức dân” để người dân cùng chung sức trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh việc vận động đóng góp bằng tiền, người dân còn có thể chung sức xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức khác như: Đóng góp ngày công, giải phóng mặt bằng, hiến đất, hiến vườn làm đường giao thông…

Thực tế cho thấy vừa qua, không ít địa phương vì quá chú trọng vào việc thực hiện các tiêu chí “cứng” về cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm đúng mức tới các tiêu chí khác như: Phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc “khoan sức dân”, cần tìm cách nâng cao thu nhập cho người nông dân bằng cách quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhân rộng mô hình các làng nghề hoạt động hiệu quả gắn liền với quá trình đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm. Chỉ khi người dân nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống thì mới có điều kiện đóng góp nhiều về vật chất. 

Xây dựng nông thôn mới là chương trình được triển khai trong dài hạn, theo từng lộ trình nhất định. Do đó, các địa phương không nên vì áp lực thành tích, chạy đua bằng mọi cách để đạt cho kỳ được các tiêu chí mà lạm thu các khoản đóng góp của người dân.

Với những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, mặt bằng thu nhập còn thấp có thể xem xét điều chỉnh, hoãn, giãn tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí “cứng” về cơ sở hạ tầng, cần nguồn kinh phí lớn, cần huy động sự đóng góp từ phía người dân.

Khi tiến hành huy động sự đóng góp của nhân dân, nhất thiết phải có sự bàn bạc, thảo luận, đồng thuận cao, tránh tình trạng áp đặt, bắt buộc người dân phải “tự nguyện” đóng góp.

Bùi Minh Tuấn
Nguôn giaoducthoidai.vn