Xây dựng nông thôn mới: Nhân rộng các mô hình tốt

Xây dựng nông thôn mới: Nhân rộng các mô hình tốt
Chiều 8/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương "Chương trình xây dựng nông thôn mới". (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, sau hai năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một số xã cơ bản đạt nông thôn mới theo 19 tiêu chí.

Báo cáo tổng hợp từ các địa phương cho thấy, ngoài 11 xã điểm do Ban Bí thư chỉ đạo đã đạt từ 15-18 tiêu chí, còn có thêm 32 xã đạt từ 16-18 tiêu chí. Tuy nhiên, theo rà soát từ 2.377/9.084 xã (chiếm 26,3% tổng số xã của cả nước) đăng ký phấn đấu xã đạt nông thôn mới vào năm 2015 mới có 9 xã (chiếm 0,1%) đạt 18 tiêu chí (đều chưa đạt tiêu chí cơ cấu lao động). 

Ngoài ra, nhiều tỉnh thuộc diện khó khăn (phần lớn các xã mới đạt 4–5 tiêu chí, tỷ lệ số xã xong quy hoạch và lập đề án nông thôn mới còn thấp, nguồn lực huy động hạn chế…) nhưng vẫn đăng ký phấn đấu đạt tỷ lệ xã đạt chuẩn cao như Sơn La, Bắc Kạn, Quảng Bình, Ninh Thuận, Cà Mau…

Về vấn đề quy hoạch chung, so với mục tiêu đề ra sẽ cơ bản hoàn thành trong năm nay thì hiện các xã xong quy hoạch nông thôn mới chung cả nước mới đạt 68%. Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch chi tiết chưa được xác định rõ, công tác cắm mốc chỉ giới sau quy hoạch hiện cũng là những vấn đề cần tiếp tục đẩy mạnh tại các địa phương…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc giao ban, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, sắp tới cần làm bật lên được các nội dung làm tốt cũng như những tồn tại cần khắc phục để chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương thực hiện. 

Hiện nhận thức về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến. Một số địa phương chủ động huy động được nguồn lực tại chỗ để triển khai nông thôn mới. Có những nơi có mô hình tốt cần thiết phải nhân rộng. 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị, làm sao phải tổng kết được mô hình, rút ra cách làm hay ở dưới địa phương, phát hiện các điển hình sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, để các nơi nhìn vào học tập.

Một vấn đề quan trọng khác là huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, dự báo sẽ còn khó khăn hơn nữa, và dự kiến vốn phân bổ ngân sách các chương trình đều sẽ thấp. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần cân đối nguồn lực trong cả 5 năm để có thể bù trừ và bố trí cho bằng được. 

Đối với nguồn lực huy động từ dân cư, Phó Thủ tướng lưu ý dù rất tốt nhưng nên có điều chỉnh mức độ phù hợp vì người dân còn nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các Bộ chủ động sửa và hoàn thiện cơ chế chính sách; nghiên cứu thêm chính sách tín dụng cho sản xuất, có thể thông qua các nguồn của địa phương, các quỹ từ các ngân hàng phát triển…Ngân hàng Nhà nước có thể kêu gọi các tổ chức tín dụng dành nguồn lực lãi suất ưu đãi cho việc này. 

Ngoài ra, các Bộ chuyên ngành tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra rà soát quy hoạch, kể cả quy hoạch đã phê duyệt. Có thể bổ sung hướng dẫn cho các đề án phù hợp với thực tế, phải lựa chọn được lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương hàng năm cần dành tối thiểu 10% ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới. 

Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn. Vốn hỗ trợ từ ngân sách trước mắt tập trung hỗ trợ cho các xã điểm, xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. 

Các địa phương tập trung hoàn thành công tác quy hoạch và lập đề án nông thôn mới cấp xã đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

Trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất chưa nên giao chỉ tiêu phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2015. 

Đối với hạ tầng giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đề nghị có chủ trương hỗ trợ từ ngân sách nhà nước ở mức 40 – 60% kinh phí trực tiếp bằng xi măng; số còn lại do cộng đồng huy động nội lực…/.
Hoàng Tùng
Theo TTXVN