Xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh: Quê nghèo nay đã thành thơ

Đường làng quê đổ bê tông, hàng rào xanh tít tắp, cảnh quan thơ mộng của thôn Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Đường làng quê đổ bê tông, hàng rào xanh tít tắp, cảnh quan thơ mộng của thôn Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tỉnh Hà Tĩnh có nhiều khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu đang được các địa phương tham quan, học tập. Làm thế nào do từng nơi, nhưng kinh nghiệm của Hà Tĩnh là biến yêu cầu thành nhu cầu, để người dân tự nguyện, tự giác xây dựng, nâng cao đời sống cho chính mình.

Từ yêu cầu trở thành nhu cầu

Nguồn lực đâu để xây dựng nông thôn mới? Đó là một trong những câu đầu tiên chúng tôi hỏi ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh. Không vội trả lời, ông Oánh dẫn chúng tôi đi thăm một số khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, rồi cho chúng tôi xem Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh do Bí thư Đặng Duy Báu kí ngày 12/06/2001 “về tiếp tục lãnh đạo chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và tập trung xây dựng nông thôn mới”. Nghị quyết được ép plastic từng tờ, không có bản photo, nhưng chúng tôi được chụp lại, để thấy Hà Tĩnh đã quan tâm xây dựng nông thôn mới từ rất sớm, coi đó là yêu cầu, là nhiệm vụ hàng đầu của đảng bộ các cấp. Nhớ lại gần hai mươi năm trước điều kiện kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, Hà Tĩnh càng nghèo, nguồn lực chủ yếu lồng ghép, cần nhất là quyết tâm chính trị. Thực hiện Nghị quyết 02, lúc đầu Hà Tĩnh ban hành 19 tiêu chí nông thôn mới, tới năm 2006 có 33 tiêu chí. Hà Tĩnh cũng có nhiều chính sách dẫn dắt, tạo động lực cho nhân dân và doanh nghiệp xây dựng nông thôn mới, huy động tổng hợp các nguồn lực, sử dụng đúng qui định, có hiệu quả, công khai, minh bạch. Nhờ vậy, đến năm 2009, khi Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã có nền khá vững chắc. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy từ năm 2006 đến năm 2009, Hà Tĩnh huy động được hơn 11 ngàn tỉ đồng xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng và đầu tư phát triển sản xuất.

Cái nền ấy được Hà Tĩnh phát huy, bởi bộ tiêu chí Trung ương ban hành cơ bản cũng như Hà Tĩnh đã làm, có yêu cầu cao hơn, nên Hà Tĩnh phải nỗ lực cố gắng, đặt thêm tiêu chí 20. Năm 2017, toàn tỉnh có thêm 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số đạt chuẩn lên 114 xã, bằng 50% tổng số. Không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.


Năm 2017, Hà Tĩnh có thêm 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, huyện Nghi Xuân có 6 xã; các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà mỗi nơi có 5 xã; các huyện Hương Sơn, Kỳ Anh mỗi nơi 3 xã; huyện Cẩm Xuyên 2 xã; các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Lộc Hà và thị xã Kỳ Anh mỗi nơi 1 xã. Thu nhập ở các xã đạt chuẩn 2017 đều cao hơn mức quy định 30,5 triệu đồng/người/năm; các xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 37 triệu đồng.
Thăm khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu của Hà Tĩnh, chúng tôi ngỡ ngàng, không nhận ra đó là những vùng quê nghèo khó đã từng đến cách đây 20 năm, 10 năm. Ông Nguyễn Xuân Tòng, Trưởng thôn Tân An, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên dẫn chúng tôi vào khu vườn mẫu nửa héc-ta của ông Nguyễn Văn Trung. Đủ loại rau quả cây trái, mùa nào thức ấy, vừa dùng vừa bán mang lại thu nhập hằng năm hơn hai trăm triệu cho vợ chồng lão nông tuổi 80 mà trông như mới ngoài 60. Giá trị của khu vườn rõ ràng không thể chỉ tính bằng tiền. Trước đó ở thôn Đinh Phùng, xã Cẩm Lạc, vào thăm khu vườn mẫu đoạt giải C do tỉnh trao, chúng tôi được gia chủ mời rượu ổi rồi lại uống rượu sim, tất cả là hoa trái trong vườn nhà. Nghe câu chuyện chọn giờ trong ngày để thu hái ổi tốt nhất, cô gái trẻ ngồi bên được giới thiệu là chủ tịch hội phụ nữ thôn cười rất duyên. Được biết, ở Đinh Phùng bây giờ nhà nào cũng có ô-tô, nhiều nhà dùng xe Kia, Vios. Bí thư thôn Đặng Văn Thức đi xe Mazda. Nghe và thấy, mới hiểu vì sao có vị cán bộ mặt trận lâu lâu về đây đã viết: “Cẩm Lạc giờ đã sang trang, xa quê trở lại ngỡ ngàng trong mơ, quê nghèo nay đã thành thơ…”. Lại nhớ lão nông tuổi 80 ở Tân An vừa hớp ngụm trà xanh vừa móm mém nói: “Chúng tôi trồng rau quả theo yêu cầu của thị trường, nhưng cũng làm vì nhu cầu của chính mình”.

Khu vườn mẫu đoạt giải C trong cuộc thi mới nhất ở Hà Tĩnh

Dừng lại là thụt lùi       
         

Cần nói rõ thêm về tiêu chí 20, vì đây không chỉ là cố gắng của Hà Tĩnh mà còn là quan điểm rất rõ ràng và nhất quán. Hà Tĩnh không đặt mục tiêu có nhiều xã về đích, hay phải sớm có huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hà Tĩnh với nguồn lực chưa nhiều, mấy năm nay bị co hẹp, nhưng nhờ sớm biết tập trung cho thôn, cho hộ gia đình, nên các mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu đã được định hình, tạo cảnh quan đẹp, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương, và người dân được hưởng lợi trực tiếp từ thành quả đó. Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở Hà Tĩnh còn góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp làng quê Việt. Ở những nơi này, tình làng nghĩa xóm gắn bó bền chặt, ý thức của người dân được nâng lên, nhiều nơi trở thành điểm du lịch, điểm đến níu chân khách tham quan. Thật sự không ai muốn ra về khi tới thăm vườn rau quả mướt xanh giữa trưa nắng đầu hè, đi trên những con đường sạch đẹp có hàng rào cây xanh, bồn hoa đầy màu sắc; được trải nghiệm xay lúa, giã gạo, đánh bắt cá, chăn vịt, nuôi lươn; được nghe và lẩy Kiều, nghe hát xẩm, ca trù, thăm các điểm du lịch tâm linh tại nhiều vùng quê Hà Tĩnh hiện nay.


Đường làng quê đổ bê tông, hàng rào xanh tít tắp, cảnh quan thơ mộng của thôn Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Khi yêu cầu trở thành nhu cầu, các cấp bộ đảng ở Hà Tĩnh và mỗi người dân hiểu rằng, nông thôn mới không phải là đích đến. Để phong trào đi vào chiều sâu bền vững, Hà Tĩnh không thể đứng yên ngắm nhìn, tự thỏa mãn với những gì đạt được, vì dừng lại tức là thụt lùi. Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên (và có lẽ đến nay là duy nhất) thu hồi bằng công nhận nông thôn mới của 2 xã, vì sau 5 năm đạt chuẩn không tiếp tục phấn đấu vươn lên. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trăn trở về hướng đi sắp tới của chương trình nông thôn mới, bởi theo ông, Hà Tĩnh mới làm được những vệt chính, bước đầu là tốt, nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Bài học về sự cố môi trường biển làm Hà Tĩnh tỉnh ngộ, nên từ nay trở đi tiêu chí môi trường phải đặt lên hàng đầu. Cùng với tiêu chí 20, Hà Tĩnh đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và có thể sẽ đặt ra tiêu chí về khả năng ứng phó với thiên tai, làm sao để giảm thiểu thiệt hại. Phải tính toán từ các hồ đập thủy lợi tới khu dân cư, từ nhà cộng đồng tránh bão tới từng ruộng lúa, vườn cây, từng loại vật nuôi phù hợp. Rồi nhà cửa, các công trình giao thông nên thiết kế, xây dựng ra sao. Những ngôi nhà thấp bé phù hợp với vóc dáng của đàn bò gầy nhỏ hồi mới tái lập tỉnh cách đây hơn một phần tư thế kỷ, còn bây giờ nhà cao cửa rộng, máy cày máy kéo nhiều, ô-tô đông, nhưng có chống chọi dẻo dai trước thiên nhiên khắc nghiệt được không? Với vị trí địa lý của Hà Tĩnh, nếu không tính toán như vậy có thể chỉ một vài trận bão là tan hoang thành quả, có vùng nhiều năm phấn đấu dựng xây chỉ trong phút chốc lại trở về điểm xuất phát...

 

Thôn Đinh Phùng,xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên nhà nào cũng có ô tô
Là địa phương làm bài bản, sáng tạo và có hiệu quả cao, bền vững trong xây dựng nông thôn mới, nhưng Hà Tĩnh không tự hài lòng mà luôn luôn trăn trở để vươn lên. Yêu cầu đã trở thành nhu cầu, nên Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh chắc chắn sẽ viếp tiếp những vần thơ đẹp trong xây dựng nông thôn mới.

Do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, nông sản mất giá, dịch bệnh, điều kiện thời tiết bất lợi, nguồn lực hạn chế... Hà Tĩnh đã chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương vào cuộc với quyết tâm cao, sát sao hơn, cụ thể hơn, thực hiện được khối lượng công việc khá lớn. Tỷ lệ hài lòng của người dân với kết quả chương trình xây dựng nông thônmới đạt từ 90,2% - 99%. Năm 2017, bình quân mỗi xã nợ 1,8 tỷ đồng, không có nợ đọng, nợ trái quy định, đã cân đối được nguồn vốn đảm bảo hoàn thành trả nợ trong năm 2018.

Theo Hân My/báo Tiếng nói Việt Nam