Xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM: Phát triển GTNT hợp lòng dân

Xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM: Phát triển GTNT hợp lòng dân
Sau 3 năm thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở 6 xã được chọn thí điểm đã đổi thay rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, huy động nguồn vốn xã hội hóa, sự đóng góp của người dân vào xây dựng các công trình công cộng.


Giao thông góp phần phát triển kinh tế

Ông Lê Phước Hồng - Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn cho biết, Lý Nhơn là một xã vùng sâu, vùng xa của TP.HCM, cách trung tâm huyện Cần Giờ 70km. Khi được TP chọn là một trong 6 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, xã đã quyết định chọn việc đầu tư hạ tầng giao thông là “cú hích” góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Nhiều tuyến đường GTNT ở TP.HCM được xây dựng nhờ người dân tự nguyện hiến đất làm đường
Nhiều tuyến đường GTNT ở TP.HCM được xây dựng nhờ người dân
tự nguyện hiến đất làm đường.

Việc đầu tư cho hạ tầng giao thông của một xã vùng sâu như Lý Nhơn không biết mấy mà đủ, vì vậy phải chọn những công trình nào thực sự cần thiết để ưu tiên đầu tư. Đầu tiên Lý Nhơn tiến hành nâng cấp nhựa trục đường chính liên xã dài hơn 20km. Tiếp sau đó là nâng cấp nhựa 4 tuyến đường trục liên ấp vào giao thông thủy lợi liên vùng dài trên 12km. Sau đó tiến hành bê tông xi măng 3.391m đường trục ấp và rải cấp phối sỏi đỏ 3 tuyến nội ấp với chiều dài trên 4km. Xã cũng tiến hành nâng cấp từ sỏi đỏ lên đá cấp 4 đối với 8 tuyến giao thông thủy lợi, dân sinh phục vụ sinh hoạt và sản xuất với tổng chiều dài trên 23,8km.

Những công trình này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH địa phương: Tuyến đường Gốc Tre đã tạo điều kiện cho việc phát triển 1.000ha nuôi tôm của người dân; Tuyến đường Ông Tiên đưa đến thuận tiện cho hơn 500 lao động thường xuyên đi làm ở vùng ruộng muối Tiền Giang. Tổng cộng trên địa bàn 6 xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, đã có 911 công trình được xây dựng, trong đó có 283 công trình giao thông.

Khi dân hiến đất làm đường

Trong xây dựng nông thôn mới, vai trò của người dân trong việc góp công, góp sức, vật chất xây dựng CSHT rất quan trọng. Khi làm tuyến đường Xuân Thới Thượng 41 và Xuân Thới Thượng 18, huyện Hóc Môn, gia đình ông Phạm Văn Cáo ở Ấp 1 đều bị vướng cả hai mặt của khuôn viên nhà. Một mặt ngang 2m dài 100m và một mặt ngang 2,5m dài 90m, tổng giá trị đất và vật kiến trúc trên 2 tuyến đường ước tính khoảng 1 tỷ 685 triệu đồng. Ông Cáo đã không ngần ngại hiến đất mà không đòi hỏi một sự bồi thường nào. “Nói thật thì cũng thiệt hại về kinh tế gia đình nhưng mở rộng đường thì con em mình đi học thuận tiện, địa phương có điều kiện phát triển hơn thì tôi cũng thấy vui”, ông Cáo vui vẻ nói.

Chỉ riêng tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn đã có 1.758 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các công trình công cộng với trên 36.797m2 trị giá trên 167 tỷ đồng, nhưng khi được vận động thì họ sẵn sàng hiến đất mà không đòi hỏi bất cứ khoản đền bù nào. Xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh cũng có 863 hộ tham gia hiến trên 12.462m2 đất với trị giá trên 73 tỷ đồng để làm đường giao thông.

Tính trên tổng thể 6 xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM thì có 7.005 hộ dân khi có đường giao thông đi qua đều hiến đất, với khoảng 725.872m2 đất và công trình kiến trúc với tổng trị giá trên 615 tỷ đồng. “Tức là 100% hộ dân khi có đường giao thông hay dự án đi qua đều sẵn sàng hiến đất để xây dựng công trình. Điều này đã giảm rất lớn chi phí của ngân sách Nhà nước cho việc đền bù GPMB, đồng thời cũng nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn”, ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới TP.HCM cho biết.

Phan Tư
Theo  giaothongvantai.com.vn