“Xây dựng nông thôn mới” ở Tây Nguyên Bài học từ xã điểm Ea ô

“Xây dựng nông thôn mới” ở Tây Nguyên Bài học từ xã điểm Ea ô
Cả hệ thống chính trị vào cuộc và toàn dân chung sức, đồng lòng đã tạo ra nguồn lực để xã Ea ô, huyện Ea Kar (Đắc Lắc) bước đầu thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ea ô trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên.


Coi trọng công tác tuyên truyền vận động

Ea ô là xã thuần nông. Phần lớn người dân đến từ các tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc. Hiện toàn xã có 2.592 hộ, 11.584 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 5.528 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 4.700 ha với cây trồng chính là lúa nước 1.025 ha, cà phê 745 ha, điều 1.025 ha. Năm 2011, Ea ô đạt tổng sản lượng lương thực quy thóc 14.758 tấn, bình quân lương thực đầu người 1, 2 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 10,97%, hộ có mức sống khá chiếm hơn 20%. Ea ô là một trong những xã đi tiên phong về thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và có năng suất lúa nước 2 vụ đạt cao của tỉnh Đắc Lắc... Với xuất phát điểm ấy, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Ea ô có nhiều thuận lợi căn bản.

Nông dân Ea ô thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

 

Được tỉnh Đắc Lắc chọn là một trong 4 xã điểm về xây dựng nông thôn mới, Ea ô đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Đảng ủy, UBND xã phân công từng cán bộ, đảng viên trong ban chỉ đạo và ban phát triển xuống tận khu dân cư, tổ chức họp dân để quán triệt sâu sắc những nội dung, công việc liên quan đến xây dựng nông thôn mới, lắng nghe dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng và giải thích cho dân hiểu về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong thực hiện các tiêu chí. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, băng đĩa hình và hệ thống truyền thanh. Sau khi làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ tư vấn ở các thôn gồm những thành viên được nhân dân cử đại diện họp bàn xác định những việc người dân cần làm. Những nội dung mà tổ tư vấn các thôn đưa ra, được xác định là “khung cơ bản” để xã lập Đề án. Nhờ cách làm cụ thể, sát thực tế và nhất là biết tranh thủ ý kiến đóng góp của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của dân, nên Ea ô là xã đầu tiên được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắc Lắc thông qua Đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Đột phá vào tiêu chí giao thông

Theo đồng chí Nguyễn Minh Chuyền, Chủ tịch UBND xã: “Sở dĩ Ea ô chọn tiêu chí phát triển giao thông để thực hiện bước đột phá đầu tiên là do địa bàn rộng, giao thông đi lại từ trung tâm xã tới 21 thôn, cũng như giao thông giữa các thôn còn nhiều khó khăn, chủ yếu là đường nền đất. Có những thôn cách xa trung tâm xã tới hơn 15km, về mùa mưa việc đi lại thường bị chia cắt. Vì thế, tiêu chí giao thông được xác định là tiêu chí khó khăn, nhưng đây cũng là tiêu chí tạo tiền đề cho thực hiện một số tiêu chí khác và có tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế xã hội của nhân dân”.

Nhân dân thôn 5b, xã Ea ô hiến đất mở rộng đường nội thôn từ 3m lên 9m.

 

Ngày 11-9 mới đây, trao đổi với chúng tôi về kết quả bước đầu, đồng chí Vũ Quang Đôn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Từ tháng 1-2012 đến nay, đột phá vào tiêu chí giao thông, toàn xã đã huy động nhân dân mở mới và nâng cấp 90km đường, trong đó có 70km nâng cấp, mở rộng mặt đường từ 3m lên 6m đến 10m và san ủi nền đường 20km. Để nâng cấp, mở rộng 90km đường liên thôn và nội thôn, nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến 150.000m2 đất, tự chặt bỏ, không đòi hỏi đền bù hàng chục nghìn cây trồng khác... Tổng giá trị người dân xã Ea ô hiến cho phát triển giao thông nông thôn lên đến hơn 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND xã còn tiết kiệm chi ngân sách hơn 500 triệu đồng để thuê máy móc, phương tiện san ủi nền đường.

Nói về việc nhân dân tự nguyện hiến đất, tự nguyện tháo dỡ các công trình cho mở rộng mặt đường, ông Nguyễn Văn Nhị, Bí thư chi bộ thôn 7b cho biết: “Khi bà con trong thôn hiểu rõ lợi ích của chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về phát triển giao thông thì rất hào hứng, phấn khởi và tin tưởng và sự thành công của chương trình. Bà con đã hăng hái góp đất, tự nguyện chặt bỏ cây trồng để mở mang đường đi lối lại rộng rãi, phong quang...”. Hiểu được mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là mang lại sự đổi thay, tiến bộ, no ấm cho chính người dân, nên nhiều hộ dân ở Ea ô đã không ngần ngại hiến cả nghìn mét vuông đất để phát triển giao thông nông thôn. Nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu hiến đất, phá bỏ cây trồng để người dân noi theo. Tâm sự với chúng tôi, bác Nguyễn Thị Lợi, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn 7b bộc bạch: “Là cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu đi đầu để bà con học tập. Gia đình tôi đã tình nguyện hiến 600m2 đất, chặt bỏ hơn 30 cây cà phê, cây điều đang trong thời kỳ thu hoạch để con đường nội thôn đi qua được mở rộng từ 3m lên 10m. Con cháu chúng tôi, cũng như nhiều gia đình hội viên tích cực hưởng ứng”.

Với cách làm thực sự dân chủ, hướng đến lợi ích của dân mà chỉ trong thời gian ngắn toàn bộ hệ thống đường giao thông trong xã Ea ô đã được quy hoạch, mở rộng. Mặc dầu chưa xây dựng kiên cố, nhưng bước đầu đã hình thành hệ thống giao thông thực sự thông thoáng, thuận tiện. Dự kiến, tới đây với nguồn kinh phí Trung ương đầu tư và đóng góp của nhân dân, Ea ô sẽ hoàn thiện giao thông nông thôn vững chắc. Ngoài ra, trong thời gian qua, Ea ô còn huy động được các nguồn đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình phục vụ dân sinh như: Nhà thi đấu thể thao cho Trường THCS với kinh phí hơn 3 tỷ đồng; xây dựng cơ sở trường lớp cho trường mầm non; xây dựng trạm y tế xã, góp phần quan trọng vào hoàn thành các tiêu chí về giáo dục và y tế...

Qua đối chiếu với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Ea ô đã có 8 tiêu chí quan trọng đạt chỉ tiêu, 3 tiêu chí gần đạt là “văn hóa", "thủy lợi" và "quy hoạch”. Theo Đề án xây dựng nông thôn mới, xã Ea ô phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành tất cả 19 tiêu chí, với tổng nguồn kinh phí thực hiện khoảng 355 tỷ đồng, trong đó nguồn huy động trong dân chiếm từ 20% trở lên.

Ban phát triển nông thôn mới thôn 7b, xã Ea ô họp đánh giá việc thực hiện tiêu chí về giao thông.

 

Từ thực tiễn vận động nhân dân thực hiện tiêu chí về giao thông, Ea ô đã đề xuất với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện và của tỉnh, cho áp dụng cơ chế trong xây dựng các công trình còn lại với phương châm: Kinh phí trên cấp, người dân bỏ công lao động “xã có công trình, dân có việc làm”, vừa tiết kiệm được các khoản chi bất hợp lý, chống thất thoát, vừa phát huy quyền làm chủ của dân, đồng thời bảo đảm được tiến độ và chất lượng công trình.

Ông Dương Tín Đức, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắc Lắc đánh giá: Từ mô hình xã điểm Ea ô, nhiều địa phương khác trong tỉnh Đắc Lắc đã dấy lên phong trào hiến đất, hiến tài sản để giải tỏa mặt bằng, xây dựng đường giao thông. Cụ thể, thành phố Buôn Ma Thuột nâng cấp 9 tuyến đường; huyện Ea Kar mở rộng và làm mới 104km đường liên thôn; thị xã Buôn Hồ tu sửa, nâng cấp 10, 6km đường tại xã Ea Siên; huyện Cư Kuin nâng cấp 10 tuyến đường và huyện Krông Pách mở rộng, làm mới 17km đường.

Kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở xã điểm Ea ô là “dân hiểu, dân tin, dân chung sức đồng lòng cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc nhất định thành công!”.

Bài và ảnh: Kiều Bình Định
Theo .qdnd.vn