Xây dựng nông thôn mới ở huyện nghèo: Vẫn ngổn ngang trăm mối

Xây dựng nông thôn mới ở huyện nghèo: Vẫn ngổn ngang trăm mối
Sau gần 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã nghèo vùng núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, nhìn chung người dân đã hưởng lợi phần nào từ những khoản đầu tư do chương trình mang lại. Tuy nhiên, trên thực tế, với những xã nghèo dù đã được gắn mác NTM nhưng cuộc sống của người dân vẫn chưa có nhiều đổi thay.

Nếu cứ áp một mẫu số chung cho chương trình NTM trên toàn quốc,
nông thôn miền núi sẽ chẳng thể đuổi kịp nông thôn đồng bằng
 
Tiêu chí nào cũng khó đạt
 
Sau gần 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã đạt được những kết quả bước đầu như: mô hình NTM đã dần hình thành trên thực tế tại các xã thí điểm, đời sống của người dân ở các vùng nông thôn dần cải thiện. Tuy nhiên, Chương trình cũng đang bộc lộ một số hạn chế. Rất nhiều tiêu chí xây dựng NTM chưa phù hợp với phong tục tập quán miền núi, vùng DTTS; ngân sách đầu tư xây dựng NTM miền núi, vùng DTTS thiếu những cơ chế đặc thù nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ.
 
Hàng loạt các tiêu chí như thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, nhà ở dân cư, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hoá, trạm xá… khá chậm do thiếu vốn đầu tư và khó đạt chuẩn theo tiêu chí quốc gia. Chẳng hạn, ở huyện Con Cuông (Nghệ An), về y tế trước đây có 7 xã đạt chuẩn quốc gia nhưng giờ tiêu chí mới thì toàn huyện không có xã nào đạt chuẩn. Tương tự, tiêu chí chợ nông thôn ở các xã miền núi chưa phù hợp vì có xã gần trung tâm huyện, nếu xây dựng chợ sẽ không phát huy được hiệu quả như mong đợi, gây lãng phí. Trong khi đó, không xây chợ thì không đủ tiêu chí. Đối với giáo dục theo quy định, phải đủ 8 lớp mới đạt chuẩn quốc gia, nếu như vậy thì những trường học ở một số xã vùng sâu, vùng xa khó có thể đạt được do con em ở xa nên các trường phải chia tách thành nhiều điểm trường để kiếm tìm con chữ.
 
Tiêu chí dồn điền đổi thửa để đạt đúng yêu cầu thì khó như lên trời… vì đất ruộng ở đây chỗ lồi chỗ lõm, đồi núi chia cắt chẳng thể áp dụng mô hình sản xuất hiện đại vào đây. Trong khi đó tiêu chí nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gần như giẫm chân tại chỗ, vì đa số cán bộ phụ trách kiêm nhiệm nên khó giúp người dân trong việc hiện đại hóa nền nông nghiệp.
 
 
Cán bộ chờ… kinh phí, người dân ngóng… tài trợ
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa (Điện Biên) - Nguyễn Minh Tuân, ngoài xã Mường Báng, hầu hết các xã còn lại của huyện Tủa Chùa hiện mới thực hiện xong công tác quy hoạch nên việc thực hiện xây dựng NTM với các xã nghèo để nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu xa vời.
 
Ông Cầm Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, gần 3 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Sơn La, đến nay chưa có xã nào đạt được một nửa số tiêu chí theo kế hoạch đề ra. Duy nhất có xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn đạt 9/19 tiêu chí. Trong khi đó có tới 46 xã chỉ đạt được 1 tiêu chí, chủ yếu là các tiêu chí về an ninh trật tự xã hội và hệ thống chính trị. Trong các tiêu chí về NTM đặc biệt có 5 tiêu chí mà không xã nào tại Sơn La đạt là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ cấu lao động, môi trường và thu nhập. 
 
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, tính đến thời điểm tháng 5-2013, có khoảng 124 xã đạt chuẩn đủ 19 tiêu chí. Tuy nhiên, đối với hầu hết các xã miền núi thì chưa có xã nào đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Chẳng hạn với tiêu chí: giao thông, trường học, thu nhập và cơ cấu lao động tỉ lệ đạt là rất thấp.
 
Giải thích về sự giậm chân tại chỗ trong xây dựng NTM ở các xã nghèo, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Điện Biên - Lò Quang Chiêu cho biết: Triển khai xây dựng NTM ở Điện Biên  sở dĩ giậm chân tại chỗ vì nhận thức của cán bộ, nhất là ở cấp xã chưa sâu sát. Cán bộ vẫn quen với việc cứ có dự án là có tiền đầu tư về xã mà không hiểu hết ý nghĩa phát huy nội lực của người dân trong xây dựng NTM từ chương trình. Cán bộ lơ mơ khiến người dân có tâm lý trông chờ ỉ lại, trưởng bản Xuân Tre 2, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) - Lò Văn Que bộc bạch. Ông Que cho biết, bà con chưa hiểu xây dựng NTM nên vận động hiến đất làm đường gặp rất nhiều trở ngại. Họ hay so bì sao làm đường các dự án khác được đền bù mà xây dựng NTM lại không?
 
Theo nhiều cán bộ của các huyện khó khăn, thời gian đầu, nhiều địa phương khó khăn rất hăng hái đăng ký xây dựng NTM với hy vọng sẽ được hưởng lợi nhờ được đầu tư vốn lớn làm các dự án. Nhưng khi được biết triển khai chương trình với chủ trương lồng ghép các dự án kết hợp với phát huy nội lực của nhân dân, lãnh đạo một số địa phương lại tỏ ra thờ ơ, bỏ mặc. Trong khi đó cấp tỉnh thì thiếu quan tâm chỉ đạo sát sao phần vì thiếu kinh phí, phần vì nội lực của vùng nghèo không có, phần vì người dân quá nghèo biết lấy gì phát huy nội lực nên công cuộc huy động sức dân xây dựng NTM vẫn giậm chân tại chỗ.
 
Cần áp tiêu chí đặc thù
 
Nói về giải pháp giúp vùng khó bứt phá từ xây dựng NTM, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La - Cầm Văn Chính kiến nghị, cấp thiết phải sửa đổi nội dung quy định một số tiêu chí về xây dựng NTM cho phù hợp với các tỉnh miền núi, trong đó trọng tâm là 2 tiêu chí về thu nhập và cơ cấu lao động. Đồng thời cần ban hành chính sách đặc thù cho các tỉnh Tây Bắc trong việc huy động các nguồn lực tham gia xây dựng NTM.
 
Nói rõ về chính sách đặc thù trong huy động nguồn lực, ông Chính phân tích: Nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM bao gồm hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động người dân, doanh nghiệp cùng tham gia. Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, nhu cầu vốn xây dựng NTM ở miền núi, vùng DTTS khá lớn, khoảng 200 – 300 tỷ đồng/xã, cao nhất tại Hà Giang, vốn huy động bình quân khoảng 400 tỷ đồng/xã, trong khi bình quân cả nước khoảng 150 tỷ đồng. Khoản tiền chênh lệch từ 50-250 triệu/xã sẽ lấy nguồn ở đâu, khi hầu hết đó là những vùng khó khăn? Ai sẽ là người cả gan dám đầu tư vào nông thôn miền núi, vùng khó khăn nếu không phải là Nhà nước?
 
Để khắc phục những hạn chế này, nhiều ý kiến đề nghị nên có cơ chế chính sách đặc thù riêng về ngân sách cho miền núi, vùng DTTS. Cụ thể, trong việc phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm cho Chương trình cần xác định lại mức phân bổ vốn đầu tư, hỗ trợ hàng năm theo vùng miền, hoặc theo địa bàn từng tỉnh trên cơ sở điều kiện đặc thù miền núi cao, tỷ lệ đồng bào DTTS, không nên phân bổ mang tính bình quân như hiện nay.
 
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út cũng cho rằng, đối với miền núi, vùng DTTS nếu không có tiêu chí mềm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù thì rất khó thực hiện được Chương trình xây dựng NTM. Và nếu cứ áp dụng một mẫu số chung trong xây dựng NTM cho tất cả các xã, câu chuyện nông thôn miền núi đuổi kịp nông thôn miền xuôi là điều không tưởng, ông Út nhận định. 
 
Nguyên Khánh
Nguồn daidoanket.vn