Xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Thanh Hóa
- Thứ năm - 18/07/2013 21:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là một huyện miền núi vùng cao phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, Quan Hóa có diện tích tự nhiên là 996.17 km², dân số hơn 46.000 người, 5 dân tộc anh em sinh sống (chủ yếu là dân tộc Thái, Mường),… địa hình chủ yếu là đồi núi, ngành nghề chủ đạo của toàn huyện là nông lâm nghiệp.
Quan Hóa cũng thuộc 62 huyện đặc biệt khó khăn trong cả nước, được Chính phủ hỗ trợ theo Chương trình 30A.
Công tác xây dựng nông thôn mới tại xã Phú Nghiêm - huyện Quan Hóa - Thanh Hóa đạt những thành công bước đầu. |
Nhưng tính đến nay, 17/17 xã thuộc huyện Quan Hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng nông thôn mới.
Theo kết quả rà soát, đánh giá thực trạng của Hội đồng thẩm định Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Quan Hóa, mặc dù là địa bàn hết sức khó khăn, tính đến thời điểm tháng 1/2013, toàn huyện có 1 xã đạt 10/19 tiêu chí Nông thôn mới, 1 xã đạt 9/19 tiêu chí, 2 xã đạt 8/19 tiêu chí, 3 xã đạt 6/19 tiêu chí,… và thấp nhất có 2 xã đạt 3/19 tiêu chí.
Xã Phú Nghiêm, (huyện Quan Hóa) – xã đạt 9/19 tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới có dân số 1.085 người (93% là dân tộc Thái, 5% dân tộc Mường), cơ cấu kinh tế chiếm 95% trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Trong những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp xã huy động được hơn 2,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Cụ thể, xã đã đầu tư 2,2 km/2,33 km cứng hóa trục đường vào bản đạt chuẩn theo kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải; xây dựng nhà văn hóa diện tích 80m2 trong khuôn viên 2.500m2 với 100 chỗ ngồi; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%; Internet về đến tận từng thôn bản; tỷ lệ nhà kiên cố đạt 93%; …
Ông Hà Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm cho biết, để có được kết quả này, lãnh đạo xã đã mạnh dạn tận dụng các chương trình hỗ trợ của các cấp, ngành Trung ương và địa phương, lồng ghép với việc huy động sức dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử -baodautu.vn, bà Cao Thị Xuân, Bí thư huyện ủy huyện Quan Hóa cho biết thêm, việc xây dựng nông thôn mới của vùng cao còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt sự thiếu và yếu về trình độ cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, trong việc thực hiện chương trình này cũng chưa có cán bộ chuyên trách, vốn lồng ghép cũng còn hạn chế,...
"Đa số đồng bào dân tộc thiểu số vốn có cuộc sống hết sức khó khăn, nên để xây dựng thành công các tiêu chí của chương trình nông thôn mới tại đây còn nhiều khó khăn hơn nữa, cần sự hỗ trợ vào cuộc thực sự của các ngành, các cấp", bà Xuân nói.
Không thể phủ nhận rằng, chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang làm thay đổi căn bản đời sống của đồng bào sống tại nông thôn trong cả nước. Tuy nhiên, với những vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra những chính sách đặc thù và hỗ trợ thiết thực hơn nữa để đảm bảo sự thành công và lan tỏa cho địa bàn miền núi.
Sĩ Chức
Theo baodautu.vn