Xây dựng nông thôn mới - sức lan toả mạnh mẽ ở Yên Bái
- Thứ năm - 24/01/2013 19:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân xã Mai Sơn (Lục Yên) tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về “tam nông”. Xây dựng NTM cũng là cơ hội, điều kiện tốt để các xã, các vùng nông thôn vươn lên về mọi mặt.
UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng 2 mô hình điểm là: xã Đại Phác (huyện Văn Yên) và xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên), 9 huyện, thị, thành phố mỗi địa phương chọn 1 xã để làm điểm là: Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), Báo Đáp (Trấn Yên), Vĩnh Kiên (Yên Bình), La Pán Tẩn (Mù Cang Chải), Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), Hát Lừu (Trạm Tấu), Yên Hưng (Văn Yên), Lâm Thượng (Lục Yên) và Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn). |
Tuy mới triển khai thực hiện được hơn một năm, nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và nhân dân còn hạn hẹp nhưng có thể thấy là phong trào xây dựng NTM đã có sức lan toả mạnh mạnh mẽ, đồng thời nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao.
Mỗi xã, mỗi địa phương chọn cho mình một hướng đi riêng phù hợp với điều kiện thực tế ở xã mình. Xã thì lấy xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn, xây dựng và phát triển chăn nuôi và sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển tôn tạo nhà ở khang trang đảm bảo ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn bản sắc văn hoá; xã lại lấy chuyển dịch cơ cấu cây trồng làm hướng đi... nhưng tất cả đều hướng đến xây dựng xã NTM giàu mạnh.
Trong 2 năm, tổng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho 11 xã điểm là trên 50 tỷ đồng, bình quân mỗi xã được trên 4,6 tỷ đồng. Theo đó, nhân dân các xã cũng đã góp công góp sức được hàng chục tỷ đồng và hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông. Nhờ vậy, đến nay đã có 120/152 xã hoàn thành xây dựng đề án nông thôn cấp xã; đào tạo nghề cho 11.324 lao động nông thôn cùng 15 mô hình dạy nghề ở 15 xã.
Trong năm 2012, các địa phương đã kiên cố hoá mặt đường giao thông, bê tông hoá được 120 km đường liên thôn, liên xã, mở mới nền đường liên thôn, bản được 346 km.
Nếu như khi bắt đầu đầu triển khai chương trình theo 19 tiêu chí, hầu hết các xã chỉ đạt từ 4 - 5 tiêu chí nhưng đến nay đã có xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) đạt 14 tiêu chí và sẽ hoàn thành xã NTM vào năm 2013 cùng có 4 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 18 xã đạt từ 5-8 tiêu chí, 129 xã đạt trên 5 tiêu chí. 100% số xã đạt tiêu chí về an ninh xã hội được giữ vững, 50% số xã đạt tiêu chí về hệ thống điện, 40% số xã đạt tiêu chí về hệ thống chính trị, y tế, giáo dục, văn hoá.
Cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm ở các xã đã được xây dựng khang trang hơn, to đẹp hơn, các làng, bản đều có nhà văn hoá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Nói về quá trình hơn một năm triển khai chương trình xây dựng NTM, ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Nhìn một cách tổng thể thì việc thực hiện chương trình xây dựng NTM vẫn còn rất nhiều việc cần làm và cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhưng có lẽ vui hơn cả là chương trình đã nhận được sự đồng thuận cao của chính người dân địa phương, người dân nhiều địa phương tuy còn khó khăn nhưng cũng đã cố gắng đóng góp công sức, hiến đất làm đường".
"Quan trọng hơn là họ đã nhận thức và hiểu rõ về mục đích của xây dựng NTM - đó là nền tảng, là cơ sở để tỉnh Yên Bái hoàn thành chương trình xây dựng NTM theo đúng mục tiêu đề ra” - ông Tuân cho biết.
Khi người dân hiểu rõ được tầm quan trọng cũng như lợi ích kinh tế mang lại từ xây dựng NTM thì họ sẽ sẵn sàng chung tay, chung sức, hiến kế cùng xây dựng. Không chỉ vậy mà ngay cả việc các hộ nghèo cố gắng vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình, các hộ khá giả hơn, giàu có hơn giúp công, của, kiến thức và hướng dẫn các hộ nghèo phát triển kinh tế cũng đó là những đóng góp tích cực trong xây dựng NTM.
Thanh Phúc
Theo baoyenbai.com.vn