Xây dựng nông thôn mới tại TPHCM - Dạy nghề, tạo việc làm, nâng chất đời sống văn hóa

TPHCM đã triển khai xây dựng Chương trinh nông thôn mới được 3 năm. Bên cạnh những mặt tích cực đạt được vẫn còn nhiều thách thức. Để đạt được mục tiêu hết năm 2015 sẽ xây dựng nông thôn mới ở 51 xã và hoàn thiện cơ bản ở 58 xã trong năm 2020, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự chương trình “Lắng nghe và Trao đổi” do HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM tổ chức ngày 3-6 khẳng định như vậy.
Người dân quận Bình Tân, TPHCM đang thực tập cách lai tạo giống lan quý. Ảnh: THANH TÂM
 
Trăn trở dạy nghề lao động nông thôn
 
Ông Nguyễn Thanh Chín, Ủy viên Thường trực HĐND TPHCM nhấn mạnh: “Chương trình sẽ bàn sâu hơn về 4 nội dung chính là quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề lao động nông thôn và thiết chế văn hóa nông thôn mới với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống của gần 1,4 triệu nông dân đang sống ở vùng nông thôn”.
Ý kiến của ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, khiến nhiều người quan tâm khi cho biết việc dạy nghề cho lao động nông thôn mới chỉ đạt 6%, là còn quá khiêm tốn. Vì vậy mục tiêu đến 2015, TPHCM phải đạt 70% lao động nông thôn đã qua học nghề là một việc rất khó.
 
Hàng loạt ý kiến tại chương trình cũng phản ánh về thực trạng hiện nay là dạy cái nhà trường có chứ chưa dạy nghề nông dân cần. Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH, cho biết TPHCM giao cho 5 đơn vị chủ lực tại 5 huyện ngoại thành dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, còn có 20 trường khác tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. “Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, chỉ có gần 12.000 lao động nông thôn được dạy nghề là một con số thấp, trong khi số tiền ngân sách TPHCM đầu tư cho công tác dạy nghề lao động nông thôn là 4 tỷ đồng/năm”.
Nhưng điều quan trọng hơn là các trường chỉ mới dạy cái mình có chứ chưa đi sâu vào các ngành nghề cần thiết cho lao động nông thôn ở vùng nông thôn mới. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cắt ngang: “Vậy nếu dạy làm tóc, trang điểm thì mất bao lâu và học xong thì lao động có mở tiệm được không?”. Ông Hiệp nhìn nhận: “Chỉ mất khoảng 3 - 6 tháng nhưng nếu muốn mở tiệm thì phải học thêm!”.
Tuy nhiên, ý kiến của Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Dương Văn Nhân lại cho thấy thông tin khác: “Trung tâm trực thuộc hội đã tổ chức 103 lớp cho nông dân học tập trong và ngoài nước, kết quả rất tích cực bởi chúng tôi tập trung vào những nghề nông dân cần như chăm sóc phong lan, trồng rau sạch, chăn nuôi bò sữa, heo, cá sấu”. Ông Nhân khẳng định, quan trọng là công tác tuyên truyền thời gian qua làm chưa tốt, nông dân chưa thấy được quyền lợi mà họ thụ hưởng nên không tha thiết với học nghề.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí nhấn mạnh: “Các trường lưu ý việc dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu xã hội chứ không phải đào tạo nghề theo ý chí của chúng ta”.
 


 Sản xuất hàng mỹ nghệ từ da cá sấu tại Làng cá sấu Sài Gòn, quận 12. Ảnh: CAO THĂNG

Loay hoay quy hoạch nhà văn hóa
 
Bất cập trong xây dựng nhà văn hóa cũng được đại biểu tập trung phản ánh. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho rằng: Theo quy định, nhà văn hóa phải có diện tích tối thiểu 2.500m2 nhưng rất khó cho TPHCM khi tìm được diện tích đủ chuẩn. Ngoài ra, các nhà văn hóa xã hiện nay không bố trí ở những chỗ giao thông thuận lợi nên người dân cũng ngại đến. Ngoài ra, theo quy định là biên chế cán bộ cho nhà văn hóa có nhưng nhiều nơi có nhà văn hóa mà không có cán bộ dễ dẫn đến lãng phí.
 
Đụng đến nội dung quy hoạch, nhiều đại biểu cùng bày tỏ tâm tư. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí phân tích, hiện nay có những quy hoạch chi tiết chưa triển khai, vì vậy hiện nay công tác quy hoạch đang làm ngược. Chúng ta chọn đầu tư công tác quy hoạch ở từng xã rồi ghép lại quy hoạch ở từng huyện. Đúng ra chúng ta phải quy hoạch huyện nông thôn mới rồi trên cơ sở đó hạ tầng của quận huyện kết nối với hạ tầng của tp mới gắn với việc xác định quy hoạch của từng xã. Chính vì vậy, chúng ta đang phải chấp nhận quy trình ngược của các xã xây dựng nông thôn mới.
 
Ông Lê Minh Trí đề nghị, từ nay đến năm 2015, các sở ngành phải tập trung xây dựng các trụ sở ấp, nhà văn hóa xã cho các xã xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thiết chế nhà văn hóa xã phải có thể tạo nơi sinh hoạt được cho 5.000 - 10.000 người. Bởi đa phần nông dân ban ngày bận việc đồng áng, chỉ buổi tối mới rảnh để tập trung về nhà văn hóa sinh hoạt. Tuy nhiên, có thể thí điểm xã hội hóa việc này như xây sân bóng đá mi ni để đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí.

"Cần rà soát, bổ sung các chính sách để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực xã hội cùng tham gia chương trình. Bên cạnh khai thác có hiệu quả nguồn quỹ đất, cần vận động người dân mạnh dạn vay vốn tín dụng để đầu tư tại chỗ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…"
 
Ông Lê Minh Trí
Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Theo SGGP