Xây dựng nông thôn mới từ nỗ lực của người dân

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những chương trình thiết thực, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, sản xuất của bà con nông dân. Để làm tốt chương trình này, bên cạnh sự đầu tư, định hướng của Chính phủ và các cấp chính quyền rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân.
Đường nông thôn mới ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) được đầu tư xây dựng khang trang.

 

Bây giờ, đi trên con đường dẫn vào thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), người dân nơi đây đều cảm thấy phấn chấn trước sự thay đổi gần đây. Thôn Trà Kiểm là một làng quê thuần nông, trước kia đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn với những con đường ngoằn nghoèo, lấm lem bùn đất.

Nhưng nay, những con đường đó đã thoáng đãng, sạch sẽ, khang trang hơn. Có thể thấy, đây chính là một bước tiến mới trong việc tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của xã Hòa Phước.

Để phấn đấu trở thành xã NTM, lãnh đạo xã đặc biệt chú trọng phát triển đường giao thông. Hiện nay, đa số các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đã được đổ bê-tông hoặc láng nhựa, bảo đảm nhân dân đi lại thuận lợi.

Tuy nhiên, một số tuyến giao thông kiệt, hẻm xuống cấp, thậm chí một số con đường còn bị cụt hoặc bị chắp nối vì vướng đường, vướng cây, không đủ tiêu chí để đạt nông thôn mới. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo xã đã yêu cầu thôn tổ chức họp dân để tìm ra hướng giải quyết. Theo như dự tính ban đầu, chi phí làm lại những con đường nêu trên khoảng 437 triệu đồng, nếu để nhân dân Trà Kiểm đóng góp sẽ khó khăn. Vì thế, bà con trong thôn cùng trao đổi, thảo luận với lãnh đạo xã tìm ra phương án hạ bớt chi phí xuống mức khả thi nhất.

Song song với công tác chuẩn bị kinh phí, thôn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, cũng như con em quê hương cùng chung tay đóng góp.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Võ Trần Minh Long chia sẻ: "Đây là thôn được chọn làm điểm, nên bước đầu còn thiếu kinh nghiệm, chưa tính hết được chi phí. Ngoài ra, cũng còn một số hộ dân chưa thông suốt chủ trương nên gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, nhờ sự vận động của thôn, xã, sau nhiều cuộc họp phân tích chặt chẽ đến từng hộ dân, mọi người đã thông qua và tự nguyện tham gia hiến đất để xây dựng đường".

Để người dân hăng hái tham gia, xã đã thành lập các đoàn xuống giúp thôn trong việc cắm mốc, chuẩn bị mặt bằng, tạo khí thế trong nhân dân và cán bộ thi đua thực hiện xây dựng NTM. Đến nay, bà con trong thôn đã tự nguyện hiến hơn 970 m 2đất, tháo dỡ 85 m tường rào, cổng ngõ và chấp thuận di dời hàng chục ngôi mộ để mở đường.

Có đường giao thông, việc đi lại, kinh doanh, sản xuất của bà con thuận lợi hơn rất nhiều. Đến thời điểm này, xã Hòa Phước đạt 16/19 tiêu chí NTM. Trước năm 2009, tổng số hộ nghèo là 423 hộ trên tổng số 2.921 hộ thì đến nay không còn hộ nào. Trong đó, số hộ thoát nghèo được xã chuyển giao khoa học công nghệ và được vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp để thoát nghèo bền vững, không có nguy cơ tái nghèo. Đó là những niềm vui, thành quả đáng kể mà người dân ở xã Hòa Phước, cũng như người dân huyện Hòa Vang đang nỗ lực hướng tới.

Cũng là một địa phương tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM, thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) lại chú trọng vào những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả cao và có thể thu hút đông đảo hộ dân tham gia. Được biết, đời sống nhân dân trong thôn chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Thế nhưng, do thôn bao quanh bởi sông Thoa nên hệ thống tưới tiêu gặp nhiều khó khăn. Mùa hè thì người dân thiếu nước canh tác nông nghiệp, đến mùa mưa thì phải chịu cảnh ngập úng nhiều ngày và thường xuyên bị sa bồi thủy phá.

Thêm vào đó, do giá cả thị trường không ổn định, nông dân bị tư thương ép giá, khiến người dân không yên tâm sản xuất, dẫn đến cuộc sống nơi đây còn rất nhiều bấp bênh.

Chính vì thế, từ khi chương trình xây dựng NTM được phổ biến rộng rãi đến người dân, mọi người đã tích cực tham gia. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những tuyến đường, thôn Phước Toàn còn đẩy mạnh triển khai mô hình trồng nấm rơm trong toàn thôn để ổn định về mặt sản xuất, phát triển kinh tế cho người dân. Tổ trưởng dân vận thôn Phước Toàn, anh Trần Như Huân cho biết: "Nấm rơm là một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, không sử dụng loại hóa chất nào trong quá trình sản xuất. Việc trồng nấm rơm cần ít vốn lại không mất nhiều thời gian chăm sóc, nhưng mang lại thu nhập cao cho người dân. Chính vì vậy, xã đã quyết định nhân rộng mô hình cụ thể này tới bà con trong thôn xã". Trong thời gian qua, UBND xã đã mời chuyên viên của Trung tâm khuyến nông về mở nhiều đợt tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng nấm rơm, từ đó giúp bà con có thêm kiến thức, cũng như kinh nghiệm để thực hiện việc sản xuất hiệu quả, mang lại năng suất cao. Từ khi thực hiện mô hình trồng nấm, đã có 28 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho 115 lao động, giảm lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp mọi người có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, ban chỉ đạo còn tư vấn cho một số hộ dân trong xã về quy trình trồng nấm rơm để tận dụng nguồn phế phẩm sau thu hoạch, giúp bà con có thêm việc làm nhằm thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Chặng đường xây dựng NTM còn lâu dài và khó khăn, tuy nhiên từ hiệu quả của các mô hình thực tiễn đã cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm. Trước hết, các cấp lãnh đạo địa phương, các ban, ngành liên quan cần đi sâu, tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân trong sản xuất. Thêm vào đó, việc giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế chính sách cũng đóng vai trò rất quan trọng, qua đó tìm ra những giải pháp có lợi cho cuộc sống của bà con. Có như vậy mới có thể huy động, nêu cao sức dân cùng chung tay khắc phục những khó khăn và cải thiện đời sống.

BÀI VÀ ẢNH: LÊ THÚY
Nguồn nhandan.org.vn