Xốc lại "đệm chống sốc"

Tăng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản: Phải đột phá khâu chế biến và tái cấu trúc ngân hàng. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn khi SX công nghiệp đình trệ, kim ngạch XK giảm… thì lĩnh vực nông nghiệp được coi là “đệm chống sốc” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại, nếu không tái cơ cấu, khu vực kinh tế này khó có thể đạt đỉnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, trong một hội thảo mới đây về triển vọng các ngành hàng nông nghiệp cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm qua tăng trưởng chậm lại với nhiều bất ổn, lạm phát cao, khả năng thanh khoản kém của hệ thống ngân hàng, cán cân thương mại thâm hụt, nhiều DN thua lỗ. Tuy nhiên, nông nghiệp được Chính phủ đánh giá là “đệm chống sốc” cho cả nền kinh tế, khi mà kim ngạch XK các mặt hàng nông sản tăng cao, an ninh lương thực trong nước được đảm bảo, một số mặt hàng chủ lực đang dần chiếm tỷ trọng và quyết định được giá cả trên thị trường quốc tế.

Chung nhận định trên, bà Lis Rosenholm, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhận định, nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong mở rộng SX ở nông hộ nhỏ, chuyển từ thiếu đói sang dư thừa. Cung lương thực của Việt Nam tính theo đầu người thuộc hàng cao nhất trong các nước đang phát triển, đủ đảm bảo an ninh lương thực trong dài hạn. Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong XK nông lâm thủy sản, cán cân thương mại nông nghiệp tăng trưởng dương, trong khi cán cân thương mại chung xấu đi. Khu vực nông thôn đang đóng vai trò quan trọng để cứu nền kinh tế trong khủng hoảng tài chính và đối phó với lạm phát cao. Trong những năm tới, nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng, đặc biệt trong thời điểm kinh tế suy thoái, bất ổn.


Dù gặp không ít khó khăn nhưng XK thủy sản vẫn đóng góp một phần không nhỏ vào kim ngạch XK nông sản

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bước sang năm nay, rất nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản… thường xuyên vấp phải tình trạng được mùa mất giá, nông dân chạy theo tín hiệu thị trường ngắn hạn gây lãng phí lớn cho xã hội. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, GĐ Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp, cho rằng, năm qua tăng trưởng về giá trị kim ngạch XK nông lâm thủy sản chủ yếu là nhờ giá tăng cao. Tổng kim ngạch XK năm 2011 tăng so với năm 2010: Gạo tăng 14,7%; cà phê tăng 61,5%; cao su tăng 41,5; chè tăng 2,1%; hồ tiêu tăng 75,7%; hạt điều tăng 29,4%; rau quả tăng 40,8%; lâm sản và đồ gỗ tăng 13,7%; thủy sản tăng 22,9%.

“Nếu năm 2012 giá bán các mặt hàng nông sản không tăng, chúng ta sẽ khó tiếp tục thiết lập giá trị kỷ lục về kim ngạch. Hiện chỉ có cao su là còn có thể tiếp tục tăng về diện tích canh tác và sản lượng, còn hầu hết các mặt hàng nông sản khác như cà phê, tiêu, điều, gạo đều có diện tích vượt cao hơn so với quy hoạch đến năm 2020”, TS Tuấn phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia này, dự báo năm 2012, kim ngạch XK cà phê sẽ giảm mạnh tới 20% so với năm 2011. Các mặt hàng gạo, điều, tiêu sẽ khó tăng về giá trị. Riêng mặt hàng cao su còn có tiềm năng. Sản lượng của hầu hết các loại nông lâm thủy sản đã đạt ngưỡng không thể tăng thêm được nữa, muốn gia tăng giá trị XK, chỉ còn cách là phải tạo ra sự đột phá về chế biến sản phẩm, tái cơ cấu lại các ngành hàng.

Ông Steven Jaffee, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp Việt Nam cần phải đi theo hướng chủ đạo “phát triển bền vững, phù hợp, thống nhất với tầm nhìn về một nền kinh tế công nghiệp hiện đại”. Muốn vậy, phải cân đối tốt hơn mục tiêu quốc gia với các các mối quan tâm về hộ gia đình ở nông thôn và quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh việc áp dụng một cách hệ thống liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà DN, nhà nông, nhà khoa học) thì cũng cần tái cấu trúc không chỉ trong SX mà còn cần phải đầu tư vào thương hiệu để tạo vị thế mới cho nông sản ở trong và ngoài nước.

“Việt Nam cần phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung dịch chuyển định lượng sang định chất. Phải tăng khả năng hội nhập vào thị trường nông nghiệp toàn cầu. Thị trường nông sản đang chịu nhiều tác động bất lợi: Biến động về giá, tác động từ các thị trường mở, thị trường cạnh tranh… Trong bối cảnh đó, tăng cường đối tác công - tư là vô cùng quan trọng trong việc đưa nông dân ra thị trường thế giới”, ông Jaffee nói

Còn TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Viện chính sách  chiến lược phát triển NN-NT cho rằng, SX hiện nay không bền vững. Điều chỉnh đất đai trong SX nông nghiệp đang là vấn đề đại sự hiện nay. Bên cạnh đó, việc liên kết hiệp hội ngành hàng để đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt, tăng cường hiệu quả chế biến… là những điều Việt Nam phải làm để hướng nông nghiệp đến thu nhập cao.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân của mỗi lao động SX nông nghiệp đạt 2.000 USD, chế biến nông lâm thủy sản chiếm 35% GDP, ông Sơn cho rằng: “Nông nghiệp Việt Nam với kỳ vọng là “đệm chống sốc’ cho cả nền kinh tế đất nước đã mỏng lắm rồi. Cấp thiết phải đẩy mạnh phát triển nông thôn mới, nâng mức sống nông dân. Phải thay đổi cách làm nông nghiệp, vì cách làm như hiện nay không thể đưa chúng ta vào tương lai được nữa. Hãy tìm một sự đột phá, và nếu đạt được, chúng ta có thể đưa kim ngạch XK toàn ngành lên 50 tỷ USD vào năm 2020”, ông Sơn khẳng định .

Theo nongnghiep.vn