Xử lý nghiêm, triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Xử lý nghiêm, triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
(Chinhphu.vn) - Ngày 8/3, trong cuộc họp về Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nêu rõ, việc sử dụng chất cấm nguy hại trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm quy định mà còn là một tội ác.

 

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ gây nguy hại cho người tiêu dùng mà còn gây khó khăn cho các cơ sở chăn nuôi lành mạnh. - Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, tình hình sử dụng chất cấm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Bằng chứng là tỷ lệ phát hiện chất cấm trong  thức ăn, trong thịt lợn nhiều hơn, trong đó chủ yếu ở các tỉnh phía Nam mà trọng tâm là Đồng Nai, Bình Dương,  TP. Hồ Chí Minh.

Tại tỉnh Đồng Nai, đầu năm 2012, ngoài việc bắt giữ được 1 đối tượng vận chuyển 5kg chất Salbutamol 98%, vừa qua, tiếp tục phát hiện 3 hộ chăn nuôi đã sử dụng chất cấm gốc B- Agonit.  Tuy nhiên, ông Dương cho biết, do thiếu chế tài xử lý, nên Công an Đồng Nai chỉ phạt hành chính 6,5 triệu đồng các đối tượng này.

Qua giám sát của Cục Thú y tại một số địa bàn các tỉnh phía Nam cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu được lấy tại các trang trại chăn nuôi cho kết quả dương tính với nhóm B- Agonit, 26% số mẫu thịt được lấy tại các lò mổ phát hiện các chất cấm này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho hay con số trên mới là  kiểm tra trên diện hẹp tại một số tỉnh phía Nam, nếu kiểm tra cả nước, chắc chắn sẽ có những kết quả đáng lo ngại hơn.
 

Các chất kích thích, kích nạc gốc B-Agonit đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 2002, tương tự, trên thế giới, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi bởi tính nguy hại của nó đối với sức khỏe con người.
Ông Dương cho biết, do đặc điểm chăn nuôi nước ta nhỏ lẻ, người bán cũng như người sử dụng chất cấm đều lén lút, quản lý và phát hiện là rất khó. Trong khi đó, các ngành, các địa phương vẫn chưa thực sự nhận thức được tầm nguy hại của sự việc để cùng ngành NN&PTNT vào cuộc, truy quét đến cùng những hành vi này.
Ông Dương cũng nói rõ: “Không phải chúng ta chưa có chế tài, quy định để xử lý những trường hợp vi phạm. Luật hình sự cũng có quy định phạt tù từ 3-5 năm đối với người sản xuất thức ăn giả, chất cấm trong thực phẩm, NĐ 08 quy định phạt hành chính từ 10-40 triệu đồng trong chăn nuôi mà sử dụng chất cấm. Điều cốt yếu là chúng ta chưa thực sự vào cuộc”.
Để có những con số xác thực hơn, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các Cục Chăn nuôi, Thú y tiếp tục lấy mẫu rộng rãi trên cả nước để có bức tranh toàn diện về tình hình sử dụng chất cấm hiện nay. Tuy nhiên, không phải chỉ kiểm tra, phát hiện ra những con số rồi dừng lại, kiểu đánh trống bỏ dùi, mà phải xử lý nghiêm, triệt để.
 

 


Theo chinhphu.vn