Xuân sớm trên dải đất miền Trung

Xuân sớm trên dải đất miền Trung
Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn ở Hà Tĩnh đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Trong thành công đó, các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện đã giúp Hà Tĩnh có thêm nguồn lực quan trọng để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.

 

Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH Chi nhánh Hà Tĩnh đã đạt 3.395 tỷ đồng với gần 130.000 hộ đang có dư nợ. Trong thời gian qua, nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng đã góp phần giúp cho 242.000 lượt khách hàng được vay vốn, thu hút và tạo việc làm cho trên 22.000 lao động; trên 130.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 84.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây mới và sửa chữa gần 11.000 căn nhà cho hộ nghèo và 702 chòi, nhà ở phòng tránh bão, lụt...

Tết Bính Thân 2016 này, những người nghèo của Hà Tĩnh được đón một cái Tết đầy đủ, ấm áp hơn, nhờ sự hỗ trợ thiết thực từ những đồng vốn nhân văn này. Chùm ảnh của NGỌC - MAI sẽ mô tả sức sống mới ở nhiều vùng nông thôn Hà Tĩnh.

Là hộ nghèo ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, bà Dương Thị Thi vay vốn ưu đãi để trồng hoa. “Năm nay vườn hoa nhà tôi phát triển tốt, tôi và các thành viên trong gia đình đang hối hả chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để hoa kịp nở vào đúng dịp Xuân sang Tết đến”, bà Thi phấn khởi.

Gia đình ông Trần Đình Trường ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang vay 15 triệu đồng hộ nghèo để nuôi ong lấy mật. Đồng vốn sinh sôi nảy nở giúp cuộc sống gia đình ông Trường đã khá hơn trước rất nhiều. “Mật ong không chỉ giàu chất dinh dưỡng như axit amin, men tiêu hóa, axit hữu cơ... mà từ ong và tổ ong còn cho ra nhiều sản phẩm có thể chữa bệnh như sáp, phấn hoa, keo ong, sữa ong chúa...”, ông Trường cho hay.

Từ một hộ nghèo, nhờ 30 triệu đồng vay của NHCSXH, gia đình chị Dương Thị Phương ở xóm Sơn Minh, xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh đã mua bò về nuôi, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo bền vững.

Gia đình bà Phan Thị Thiệp, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân vay 20 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư chế biến nước mắm, gìn giữ được nghề truyền thống tại địa phương.


Vay được nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên đã phát triển mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo Ngọc -Mai/thoibaonganhang.vn/