Hương Trà thay mới những đồi chè để tăng năng suất, sản lượng
- Thứ ba - 13/11/2018 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tranh thủ những ngày nắng ráo, anh Nguyễn Cao Cường ở thôn Tiền Phong, Hương Trà (Hương Khê) thuê máy móc để phá bỏ vườn chè được trồng từ cách đây hơn 30 năm, thuê nhân công trồng mới lại đồi chè đã già nua, cũ kỹ.
Anh Cường cho biết: “Đợt này, gia đình tôi nhập về gần 5.000 giống chè mới để thay một phần diện tích. Loại chè trước đây là giống chè hạt trung du cho chất lượng tốt nhưng năng suất thấp hơn chè giống cành. Từ nay đến cuối năm, tôi dự định sẽ từng bước cải tạo vườn chè 3.000m2 của gia đình bằng giống chè mới”.
Đi trước anh Cường một bước, nhiều năm nay, bà Võ Thị Thắm ở thôn Tiền Phong, xã Hương Trà đã chuyển sang trồng chè cành. Bà Thắm chia sẻ: “Chè cành PH1, VDP2 cho tán rộng, lá to hơn chè hạt trung du, lại chịu được khí hậu khắc nghiệt và kháng bệnh tốt. Vì vậy mà năng suất và sản lượng đạt cao hơn”.
Với vườn chè rộng 3.000m2, trung bình mỗi ngày, gia đình bà Thắm thu hoạch từ 30 – 40 kg. Tính ra mỗi năm, gia đình bà thu hoạch hơn 6 tấn sản phẩm. Với giá chè liên kết từ 7.000đ/kg, mỗi năm, bà Thắm thu về hơn 40 triệu đồng.
Theo thống kê của xã Hương Trà, từ đầu năm đến nay, toàn xã đã cải tạo, thay mới hơn 7ha cây chè nhằm nâng cao năng suất. Bên cạnh diện tích thay mới, xã cũng mở rộng hơn 10 ha diện tích chè ở các thôn: Tân Trà, Tây Trà, Tiền Phong.
Ông Phan Thế Hòa – Chủ tịch UBND xã Hương Trà cho biết: “Các vườn chè có thâm niên từ 30 năm trở lên chủ yếu là giống chè hạt trung du cho chất lượng tốt, nhưng năng suất thấp. Vì vậy, nhiều năm nay, xã khuyến khích các hộ dân từng bước cải tạo vườn để nâng cao năng suất”.
Để đáp ứng nguồn cây giống mới, mỗi năm, Xí nghiệp Chè 20/4 (Công ty CP Chè Hà Tĩnh) sản xuất và ươm khoảng 20 vạn bầu. Giống chè cành chủ lực ở Hương Trà lâu nay vẫn là PH1 và VDP2. Từ năm 2018, xí nghiệp đưa vào ươm và trồng thử nghiệp giống chè PH8 và PH9, diện tích trồng thử nghiệm là 0,5 ha.
Ông Phạm Văn Minh – Giám đốc Xí nghiệp Chè 20/4 cho biết: “Hai giống chè này được tạo ra bằng phương pháp lai hữu tính giữa giống chè Kim Tuyên nhập từ Đài Loan với giống chè TRI777 của Viện Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc. Kết quả theo dõi hình thái lá trưởng thành biểu hiện của giống có năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Nguyên liệu giống PH8, PH9 phù hợp cho chế biến chè xanh, chè đen. Chất lượng chè xanh đạt điểm cao”.
Hiện nay, 100% diện tích chè Hương Trà đã đạt tiêu chuẩn VietGap. Doanh nghiệp liên kết trồng chè với xã Hương Trà đang tiến tới xây dựng tiêu chuẩn quốc tế RA. Khi đạt được tiêu chuẩn RA, sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn. Lúc đó, giá chè thu mua cho người dân sẽ tăng từ 7.000đ lên 11.000 – 12.000đ.
“Để đạt được tiêu chuẩn RA cần rất nhiều quy chuẩn nhưng một trong những điều kiện tiên quyết là chất lượng sản phẩm. Vì vậy, đưa vào thay thế các giống chè mới cũng nhằm hướng đến nâng cao chất lượng chè xuất khẩu. Một khi giá trị sản phẩm được tăng lên, thu nhập của người trồng chè cũng sẽ được nâng cao” – Giám đốc Xí nghiệp Chè 20/4 Phạm Văn Minh cho biết thêm.
Xã Hương Trà hiện có hơn 200 hộ dân trồng 172 ha chè liên kết với Công ty CP Chè Hà Tĩnh. Năm 2017, sản lượng chè xã Hương Trà đạt 1.700 tấn, cho doanh thu hơn 18 tỷ đồng. Là cây trồng chủ lực của địa phương, cây chè hiện đang tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động trên địa bàn. Bình quân 1 ha chè cho thu nhập từ 90 – 120 triệu đồng/năm. |