Cả hệ thống chính trị cùng nông dân đưa Nghị quyết 26 vào cuộc sống
- Thứ hai - 06/08/2018 19:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đối với Hà Tĩnh, Nghị quyết như một luồng sinh khí mới, tạo thành cuộc cách mạng sâu rộng ở nông thôn, một động lực có sức sống mãnh liệt, được nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia và đã thực sự làm đổi thay diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống người dân, trở thành cầu nối gắn kết lòng dân với ý Đảng.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nền tảng để phát triển bền vững
Nhớ lại thời kỳ tái lập tỉnh (năm 1991), Hà Tĩnh đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Điều đặc biệt trăn trở đó là ở vùng quê giàu truyền thống, nông dân chiếm 90% dân số toàn tỉnh, đóng góp, hy sinh nhiều cho nền độc lập tự do của dân tộc, nhưng cuộc sống còn rất nghèo khó, thiếu thốn trăm bề.
Đau đáu với bài toán phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân, qua các nhiệm kỳ hoạt động, BCH Đảng bộ, BTV Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp. Nhiệm kỳ 2000-2005, BCH Đảng bộ tỉnh có Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 12/6/2001 về chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp. Tiếp đó là Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 12/6/2001 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về “Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới” được bàn bạc rất kỹ nhằm tập trung cao nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp để giúp người dân xóa đói nghèo, mở rộng cơ hội việc làm, tiến tới xây dựng NTM.
Đi từ xây dựng mô hình điểm, từ quy mô nhỏ nhưng đảm bảo chắc chắn để đúc kết cách làm, nhân rộng, năm 2005, Hà Tĩnh đã có 8 xã đạt chuẩn NTM theo 19 tiêu chí mà tỉnh xây dựng. Đến năm 2008, toàn tỉnh đã công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2 cho 5 xã. Cũng chính từ bước đi sớm của Hà Tĩnh trong xây dựng NTM, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Chỉ đạo Trung ương đã chọn Gia Phố (Hương Khê) là 1 trong 11 xã trong cả nước được chỉ đạo thí điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Mặc dù vậy, xét về tổng quan, ở thời điểm đó, thực trạng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Hà Tĩnh còn rất nhiều hạn chế: Hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân còn khó khăn, nền sản xuất còn lạc hậu...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh... tham quan khu dân cư kiểu mẫu thôn Châu Nội, Tùng Ảnh, Đức Thọ. Ảnh: Huy Tùng
Giai đoạn này (2005 - 2009), khi Hà Tĩnh đang trăn trở, mạnh dạn tìm hướng đi mới cho nông nghiệp, nông thôn thì ngày 5/8/2008, BCH Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số
26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây thực sự là một “cơ hội vàng”, động lực hết sức to lớn cho cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, mà phấn khởi nhất là bà con nông dân. Triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, Hà Tĩnh đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 19/5/2009 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI), với quyết tâm chính trị cao nhất đưa nghị quyết vào thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn. Quá trình thực hiện Nghị quyết 26, Nghị quyết 08, Hà Tĩnh đã gắn kết với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo Quyết định 800 ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ manh mún, lạc hậu, nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh đang chuyển nhanh theo hướng hiện đại, bền vững với sự ứng dụng KH-CN và cơ giới hóa mạnh mẽ trong sản xuất. Ảnh: Hương Thành
Dồn sức đưa Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, Hà Tĩnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 26 và Nghị quyết 08, thực hiện Chương trình thí điểm NTM; chỉ đạo UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch hành động thực hiện. Quá trình thực hiện thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng hệ thống chương trình, đề án, quy hoạch, chính sách thực hiện các nghị quyết cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, xác định mục tiêu cốt lõi là phát triển sản xuất, phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Mục tiêu hướng đến cao nhất là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Tập trung xây dựng các quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch hạ tầng nông thôn, quy hoạch vùng…
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kết quả đạt được trong 10 năm qua là rất đáng phấn khởi. Bức tranh về nông nghiệp, nông thôn và nông dân Hà Tĩnh đã có sự đổi thay căn bản, toàn diện, nổi bật, mới mẻ trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã xây dựng và triển khai 28 quy hoạch, 18 đề án và hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, đảm bảo có tính chiến lược, phù hợp với mục tiêu nghị quyết và thực tiễn sản xuất, đời sống người dân nông thôn. Trong 10 năm, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp bình quân đạt 3,52%; tổng giá trị sản xuất tăng gấp 3,79 lần so với 10 năm trước. Kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung đầu tư xây dựng làm đổi mới căn bản hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, kết nối với đô thị. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, cảnh quan môi trường chuyển biến rõ nét. Toàn tỉnh có 504 trường chuẩn quốc gia; 242/262 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế…
Làm đất gieo trỉa lạc ở thị trấn Phố Châu (Hương Sơn). Ảnh: Đậu Bình
Hà Tĩnh trở thành điểm sáng trong cả nước về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả của Hà Tĩnh được Trung ương đúc kết để nhân rộng. Khi bắt đầu thực hiện Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ (năm 2010), Hà Tĩnh mới đạt bình quân mỗi xã 3,5 tiêu chí, chưa có xã nào trên 10 tiêu chí và còn trên 50% số xã dưới 5 tiêu chí. Đến nay, bình quân mỗi xã đạt 15,7 tiêu chí (tăng 12,2 tiêu chí so với cuối năm 2010); có 115 xã đạt chuẩn, chiếm 50,2% tổng số xã; dự kiến đến cuối năm 2018 thêm ít nhất 26 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 61,57% tổng số xã (mục tiêu đến năm 2020 của cả nước là 59,7% tổng số xã, như vậy Hà Tĩnh đã về đích trước 2 năm); không còn xã dưới 10 tiêu chí; có 2 xã cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh có trên 62% tổng số thôn, trên 8.000 vườn hộ triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, trong đó có 230 khu dân cư, hơn 2.300 vườn mẫu đạt chuẩn. Hà Tĩnh đã có những vùng quê “trù phú - an lành”, xanh - sạch - đẹp, gắn với hình thành du lịch trải nghiệm.
Nghị quyết 26 nâng tầm vai trò, vị thế của nông dân Hà Tĩnh. Trong ảnh: Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP đang được người nông dân Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh tích cực hưởng ứng nhờ năng suất, chất lượng cao. Ảnh: PV
Giá trị lớn nhất là dân chủ ở nông thôn ngày càng mở rộng, phát huy; tình làng nghĩa xóm gắn bó chặt chẽ; người dân thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng NTM; hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh nông thôn, TTATXH được giữ vững; niềm tin của nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị không ngừng được nâng lên.
Đúc kết những bài học kinh nghiệm quý từ thực hiện Nghị quyết
Từ điểm xuất phát thấp, lại thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai, lũ lụt, những kết quả đáng phấn khởi mà chúng ta đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương, Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã giúp Hà Tĩnh đúc kết những bài học có giá trị thực tiễn sâu sắc cho việc thực hiện Nghị quyết nói riêng và trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung.
Bài học đầu tiên đó là vai trò chủ thể của người nông dân trong quá trình thực hiện Nghị quyết được khẳng định rõ. Khi người dân thông suốt việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM là đem lại lợi ích thiết thân cho chính mình, người dân trực tiếp thụ hưởng thành quả lao động của mình sẽ khơi dậy, nhân lên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, sẽ có được nguồn lực vô cùng to lớn là sức dân.
Miền quê đáng sống Tượng Sơn (Thạch Hà)
Thứ hai, phải thực hiện xuyên suốt quan điểm: Phát triển kinh tế, phát triển sản xuất là cốt lõi trong vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ năm 2011 tỉnh đã xác định danh mục sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực để quy hoạch, ưu tiên nguồn lực đầu tư, có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn, nhất là các sản phẩm có lợi thế. Cùng với các quy hoạch, đề án, các chính sách được ban hành đồng bộ và thường xuyên được đánh giá, điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tiễn đã kịp thời định hướng, dẫn dắt tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kích hoạt, tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đã tăng gấp 4 lần.
Thứ ba, quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ cơ sở. Là chủ thể thực sự của quá trình, người dân đã được biết, trực tiếp bàn bạc trong mọi bước đi, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, vì vậy, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được thực thi nhiều hơn.
Thứ tư, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, sự vận hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp đồng bộ, thông suốt hơn. Từ thực tiễn đòi hỏi, đội ngũ cán bộ được rèn luyện, trưởng thành; phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được đổi mới theo hướng sâu sát, cụ thể, bài bản, sáng tạo, quyết liệt. Cũng từ đó tạo sự gắn kết hơn mối quan hệ máu thịt giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Đây cũng là việc cụ thể hóa các nghị quyết Trung ương 5, Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng.
Nông dân Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ nhà màng trong nông nghiệp góp phần mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao.
Thứ năm, phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng, gắn với đó là để đánh giá cán bộ, đánh giá phong trào của từng địa phương. Từ đó tạo động lực, đề cao trách nhiệm cho các đơn vị, địa phương nỗ lực, quyết tâm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Thực hiện Nghị quyết là nhiệm vụ lâu dài, bền bỉ của cả hệ thống chính trị
Tuy vậy, kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ mới bước đầu. Nông nghiệp đang phát triển về mặt số lượng, còn thiếu chiều sâu, chưa vững chắc và việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang là thách thức. Còn thiếu sự kết nối giữa phát triển nông thôn và đô thị, cụ thể là phát triển kinh tế vùng còn khó khăn; nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học chậm được nhân ra diện rộng. Một số cán bộ năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, thiếu tâm huyết; quy chế dân chủ có nơi chưa được thực hiện đầy đủ, nhất là trong huy động, sử dụng nguồn lực; nợ xây dựng cơ bản ở một số địa phương còn cao; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; một bộ phận người dân có lúc còn trông chờ, ỷ lại; chất lượng cuộc sống cũng như sự hài lòng của người dân chưa cao; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn…
Các thiết chế văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao. Trong ảnh: Người dân thôn Phong Giang, Tiên Điền, Nghi Xuân chơi thể thao sau một ngày làm việc mệt nhọc. Ảnh: PV
Từ thực tiễn đó, chúng ta không được thỏa mãn, chủ quan mà phải xác định rõ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ lâu dài, liên tục. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội phải tiếp tục kiên trì, bền bỉ, nỗ lực thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, cần làm tốt những nhiệm vụ sau:
Sớm hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tiếp tục khẳng định phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 3 trụ cột trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh.
Rà soát lại các quy hoạch: Quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch kết nối giữa nông thôn với đô thị để có sự điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện hiệu quả. Quy hoạch phải tạo cơ sở để các xã của thành phố, thị xã từng bước phát triển theo tiêu chí phường, xã ven đô tiến tới chuẩn đô thị.
Tiếp tục kiên trì thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chọn sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh thực hiện tích tụ ruộng đất; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu sản phẩm; tập trung phát triển thị trường. Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng mở rộng ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển vững chắc các hình thức tổ chức sản xuất, gắn nông nghiệp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ… Chú trọng phát huy hơn nữa kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM theo hướng đi vào chiều sâu, vững chắc, trong đó nâng tầm kết quả xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.
Phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của người dân, của cộng đồng, thực hiện sâu rộng, thực chất “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Xây dựng cảnh quan, khuôn viên, vườn hộ xanh - sạch - đẹp của người dân Đức Hương, Vũ Quang
Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, của hệ thống chính trị đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nêu cao vai trò đảng viên, nhất là đảng viên gắn bó, cùng tham gia các hoạt động với các hộ gia đình ở khu dân cư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII). Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với việc sáp nhập thôn xóm, nhập xã, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).
Tiếp tục xây dựng, phát động sâu rộng các phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả để động viên, cổ vũ người dân, cộng đồng xã hội tích cực thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ vai trò chủ thể ngày càng rõ nét của người dân, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh tiếp tục bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 26 và thực tiễn của địa phương để phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện, bền vững, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thực hiện thành công mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh
Nguồn: baohatinh.vn