Chính sách “tam nông” - đòn bẩy thúc đẩy nông dân làm ăn lớn
- Thứ năm - 26/07/2018 23:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gia đình chị Trần Thị Tuyết (xã Sơn Trung – Hương Sơn) trước chỉ nuôi vài con hươu, lời lãi không đáng kể. Được sự tiếp sức từ chính sách hỗ trợ, gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở rộng chăn nuôi.
“Năm 2016, tôi vay ngân hàng 700 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, cùng 150 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước xây dựng trang trại nuôi hươu. Đến nay, gia đình đã phát triển đàn hươu lên hơn 100 con, cho doanh thu trên 300 triệu đồng/năm. Nếu Nhà nước không hỗ trợ, chúng tôi khó mà phát triển được quy mô, tăng đàn như hiện nay” – chị Tuyết phấn khởi.
Bên cạnh gia trại, trang trại, hộ cá thể, Hà Tĩnh hình thành hình thức sản xuất tập trung, từng bước đồng nhất về giống, công nghệ, sản phẩm gắn xây dựng thương hiệu. Bỏ qua lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, HTX Tổng hợp Bình Phong (xã Đức Lĩnh – Vũ Quang) hướng vào các sản phẩm chủ lực quy mô lớn.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh chia sẻ: “Những vùng đất hoang vu đã được thay bằng 20 ha cam chanh thâm canh, xoay vòng 300 con lợn liên kết/lứa và nhiều dịch vụ khác, mang về nguồn thu 5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1,8 tỷ đồng/năm cho 16 thành viên HTX. Trong sự chuyển mình phát triển, HTX được hỗ trợ kịp thời từ các chính sách của tỉnh, huyện”.
Đó là 2 trong số nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của Hà Tĩnh được hưởng lợi từ Nghị quyết 26. Nghị quyết ra đời cùng đề án tái cơ cấu nông nghiệp Hà Tĩnh giúp hình thành 3 vùng sinh thái (miền núi, đồng bằng, ven biển) gắn bộ sản phẩm chủ lực, khẳng định thế mạnh của nông nghiệp Hà Tĩnh như: Lợn, bò, hươu, cam, bưởi, chè, rau - củ - quả…
Quan trọng hơn, tư duy người nông dân đã thay đổi, không còn suy nghĩ “được mất nhờ trời”, mà đã bắt tay với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết tiềm năng. Những vùng dược liệu tốt tươi, những đồi chè tít tắp từ Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh là hiện thực hóa cho nỗ lực xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.
Ông Trần Đình Gia – Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh trao đổi: “Hiện tại, toàn huyện có 460 ha chè liên kết và trong quy hoạch là 600 ha, tập trung các xã vùng thượng. Không chỉ mở rộng diện tích, người sản xuất tuân thủ nghiêm quy trình VietGap, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, Kỳ Anh còn phát triển vùng nguyên liệu sắn liên kết, tăng diện tích, nâng cao chất lượng, đảm bảo liên kết bền vững với Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh tại địa phương”.
Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết 26 đã mở ra cơ hội lớn, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân Hà Tĩnh. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng nhanh, đến cuối năm 2017 ước đạt khoảng 28 triệu đồng, tăng 21 triệu đồng so với năm 2008.
Bà Nguyễn Thị Nhuần – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2010 trở về trước, chính sách nông nghiệp chỉ mang tính thời vụ, cú nhát nên sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Nghị quyết “tam nông” được triển khai ở Hà Tĩnh với những chính sách vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính đột phá, đặc thù, tác động lớn tới nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ giới hóa sản xuất, khuyến khích phát triển sản xuất đã hình thành các hình thức sản xuất vừa tập trung vừa phân tán, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đây, không chỉ tạo động lực cho nông dân làm giàu mà còn trao cơ hội để nhiều trí thức trẻ quay về với sản xuất nông nghiệp”.
Theo Thu Phương – Phan Trâm/baohatinh.vn