Chuyển biến nơi vùng cao Xín Mần

Chuyển biến nơi vùng cao Xín Mần
Sau 7 năm triển khai thực hiện XDNTM, năm 2016 xã Khuôn Lùng (xã điểm của tỉnh, huyện) đã hoàn thành 19 tiêu chí, 7 xã đạt từ 10-15 tiêu chí, các xã còn lại đều đạt từ 6 - 9 tiêu chí.
rrr.jpg
Lễ hội xuống đồng đầu xuân tại xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần.
Là huyện vùng cao thuộc diện 30a (Chương trình hỗ trợ huyện nghèo của CP) của tỉnh Hà Giang, Xín Mần gặp khá nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế bởi địa hình chia cắt hiểm trở, thiên tai khắc nghiệt, đầu năm liên tục rét đậm rét hại nhưng lại hạn hán vào trung tuần tháng 5… Tuy nhiên, sự khắc nghiệt từ vị trí địa lý cũng không thể khuất phục được người dân nơi đây, sau 7 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo của huyện đã thay đổi đáng kể.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Minh Hiệu, Phó chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Đến nay, Xín Mần đã đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực. Từ chỗ là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Hà Giang, thậm chí nghèo nhất nước, phải nhận hỗ trợ cứu đói của tỉnh cách đây 15 năm, tới nay lương thực đã dư thừa và trở thành hàng hóa, tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm của huyện đạt trên 49,94 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 54,78% năm 2016 xuống còn 47,62% vào cuối năm 2017.

Để có được điều này, Xín Mần đã tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng chọn lọc, nâng cao giá trị sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Theo đó, năm 2017, bình quân lương thực ước đạt 640 kg/người, đặc biệt, tổng đàn trâu, bò của huyện đạt con số ấn tượng nhất so với các huyện miền Tây của tỉnh (113.252 con), trung bình đạt 3 con/hộ gia đình, chiếm tỷ trọng 34,02% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các mô hình canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cũng phát triển như: trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, trồng chè và các loại cây dược liệu (quế, hồi, ý dĩ...).

Với 3 nội dung trọng tâm là đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung và ưu tiên nguồn vốn cho phát triển sản xuất, Xín Mần đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư tài trợ ngoài ngân sách như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Liên Việt, doanh nghiệp Xuân Trường Ninh Bình… với số tiền trung bình năm đạt từ 16 - 20 tỷ đồng. Kết hợp lồng ghép các dự án 135, dự án 30a… của Chính phủ và các nguồn lực đầu tư, tài trợ, nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đã được xây dựng mới hoặc nâng cấp như: thủy điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… giúp bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện ngày một khang trang, sạch đẹp, từng bước xóa bỏ tập quán lạc hậu, cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, đã có 15/63 trường học đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, y tế đạt 100%, hoàn thành được trên 200km đường giao thông nông thôn các loại, 30km kênh mương nội đồng, 60 phòng học, 60 nhà văn hóa thôn, sửa chữa 3 chợ nông thôn… với tổng nguồn vốn thực hiện trên 500 tỷ đồng.

Đặc biệt, huyện đã tổ chức lễ thông xe, công bố điểm du lịch cầu Cốc Pài, cây cầu thuộc tuyến Quốc lộ 4 qua trung tâm huyện, chiếm vị trí huyết mạch trong kết nối giao thông, tạo tiền đề kích cầu phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương.

Sau 7 năm triển khai thực hiện XDNTM, năm 2016 xã Khuôn Lùng (xã điểm của tỉnh, huyện) đã hoàn thành 19 tiêu chí, 7 xã đạt từ 10-15 tiêu chí, các xã còn lại đều đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Năm 2018 Xín Mần phấn đấu có thêm xã Xín Mần đạt chuẩn NTM.

Chặng đường XDNTM đối với một huyện vùng cao biên giới của Tổ quốc còn dài, đầy khó khăn, thách thức ở phía trước khi nguồn lực đầu tư cần rất lớn. Để thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Hà Giang nói chung và huyện Xín Mần nói riêng rất cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp ngành và sự sẻ chia, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, các nhà tài trợ. Nguồn lực này là động lực giúp Hà Giang nói chung và Xín Mần nói riêng có cơ hội vươn lên hòa nhập trong sự phát triển chung của đất nước.

Theo Kiều Thủy/báo KTNT.vn