Đàn vịt biển nghìn con của cựu chiến binh Gạc Ma lập nghiệp tuổi 50
- Thứ năm - 15/03/2018 02:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cách đây 3 năm nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm và đồng đội cựu binh Lê Hữu Thảo đã có căn nhà để trú ngụ tại phường Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh). Trước tấm lòng của đồng đội và cộng đồng anh đã quyết tâm khởi nghiệp ở tuổi 50 bằng trang trại vịt biển với mong ước sau này vừa có tiền nuôi sống bản thân, gia đình và giúp đỡ đồng đội khó khăn.
Mở trang trại nuôi vịt biển và khởi nghiệp ở tuổi 50
Cuối năm 1988, Lê Hữu Thảo cùng với những chiến sỹ sống sót ở trận hải chiến Mạc Ga được đón về đất liền và được ưu tiên đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Tại xứ người, anh làm nghề lao động phổ thông và buôn bán nhưng do không may mắn, sau 7 năm anh đành phải trở về quê hương với 2 bàn tay trắng.
Không chịu đầu hàng số phận, cựu binh Lê Hữu Thảo đi kiếm việc từ Nam ra Bắc làm đủ thứ nghề để kiếm sống nhưng không có nghề nghiệp nào phù hợp. Cuộc sống khốn khó, đến nỗi vết thương ở đầu trong trận chiến năm nào, cứ trở gió lại đau nhức nhối, nhưng cũng không có tiền để đi chữa bệnh.
Cách đây 6 năm anh rời quê nhà xuống thuê nhà trọ ở TP.Hà Tĩnh, may mắn được một doanh nghiệp nhận vào làm điều hành cho đội xe, được trả lương hằng tháng nên cũng có đồng ra đồng vào.
Cùng với chăn nuôi vịt biển cựu binh Lê Hữu Thảo còn trồng 1ha rau, củ, quả trên cát biến đồi cát, biến đồi cát hoang thành cánh đồng xanh trù phú. Ảnh: Hữu Anh
Cũng trong thời gian nay, qua bạn bè cựu binh Lê Hữu Thảo quen chị Nguyễn Thị Thanh Hải ở xã Cẩm Yên huyện Cẩm Xuyên. Sau thời gian đi lại tìm hiểu, biết đến hoàn cảnh của anh Thảo, chuyện tình của hai người nảy sinh từ sự ngưỡng mộ, cảm thông và chia sẻ. Năm 2015, sau nhiều năm quen nhau, hai anh chị quyết định chọn ngày thành lập “Ban liên lạc HQ604-Gạc Ma 88” để tổ chức lễ cưới.
Lập gia đình rồi sinh con, công việc của anh nay đây mai đó, thấy vợ con vất vả anh quyết định về quê Cẩm Xuyên lập nghiệp. “Với tôi nghề nông gắn bó từ nhỏ. Vì vậy khi được bạn bè, anh em giới thiệu mô hình trồng rau và chăn nuôi trên vùng đất cát đã khiến tôi mê mệt. Đặc biệt, với phương pháp nuôi, trồng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nhưng ngặt một nổi với 2 bàn tay trắng tôi chưa biết bắt đầu từ đâu.
Tình cờ trong một lần đọc trên mạng thấy thông tin có một người ở Hà Nội chia sẻ mong muốn được đầu tư từ 200-500 triệu đồng cho dự án khởi nghiệp về nông nghiệp sạch. Tôi đã mạnh dạn làm “dự án” gửi và bất ngờ thấy quý nhân liên hệ về trực tiếp gặp, từ đó tôi đứng ra thành lập Công ty nông nghiệp sinh thái Hồng Lam”- cựu binh Lê Hữu Thảo cho hay.
Cựu binh Lê Hữu Thảo chế biến nông sản làm thức ăn cho đàn vịt biển. Ảnh: Hữu Anh
Ngày 15.5.2017, cựu binh Lê Hữu Thảo vào vùng đất ven biển xã Cẩm Hòa thuê lại mặt bằng, xây dựng hạ tầng khởi nghiệp với 600 con vịt biển. Để đàn vịt được nuôi với tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm, cựu binh Thảo đầu tư trồng ngô và một số nông sản để làm thức ăn cho vịt và trồng rau, củ, quả trên diện tích hơn 1ha.
Nhờ được liên kết nên vịt nuôi có nơi tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn nhập ra tận Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Cũng từ đó trang trại của cựu binh Lê Hữu Thảo ngày phát triển. Vừa làm vừa đầu tư mở rộng đến nay đàn vịt biển của trang trại anh đã trên 1.000 con, cùng với hơn 1ha trồng rau sạch như cải trắng Nhật, ngô và rau, của, quả.
Từ hai bàn tay trắng cựu binh Lê Hữu Thảo đã gây dựng trang trại trù phú, biến vùng đất cát ven biển bạc màu thành cành đồng xanh ngát. Chia sẻ với PV cựu binh Lê Hữu Thảo cho biết: “Dù khởi nghiệp chưa đầy 1 năm với muôn vàn khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp khi được mùa mất giá. Nhưng tôi tin với sự cần cù của mình sẻ đưa lại quả ngọt, đặc biệt được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng đội đã tiếp thêm sức lực để tôi phấn đấu”.
Khi nói về mong ước của mình, nước mắt cựu binh Lê Hữu Thảo lại dâng trào: “Mong một lần được trở lại Trường Sa, được gặp gỡ đồng đội”. Với anh dẫu cuộc sống vẫn chưa thể thong thả hơn nhưng mỗi khi nghe tin đồng đội gặp khó khăn, hoạn nạn là anh lại nhảy xe đò đến thăm bằng được.
Anh vẫn còn bồi hồi khi chính anh đứng ra kêu gọi bạn bè, đồng đội và các mạnh thường quân quyên góp hỗ trợ cho cựu binh Hồ Văn Ba ở Quảng Bình có tiền sửa lại nhà, mua bò gây dựng vốn làm ăn.
Chia tay cựu binh Lê Hữu Thảo cũng là lúc anh đang lên kế hoạch mời các cựu binh và thân nhân liệt sỹ về Hà Tĩnh tổ chức buổi gặp mặt giao lưu và làm Lễ tri ân nhân dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma đúng vào ngày 14.3.2018.
Gạc Ma ký ức bi hùng
Trong những ngày tháng 3 lịch sử này chúng tôi tìm về nhà cựu chiến binh Lê Hữu Thảo (ở khối phố Nam Tiến, phường Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh) nhưng nhà anh luôn cửa đóng then cài. Hỏi dò người dân xung quanh được biết, hàng ngày vợ chồng anh Thảo đi sớm về muộn, có hôm chỉ có vợ con về nhà, còn anh phải ở lại trông trang trại. Theo chỉ dẫn của người dân chúng tôi về thôn Đại Hòa xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tìm gặp cựu binh Lê Hữu Thảo.
Cựu chiến binh Mạc Ga-Lê Hữu Thảo trao đổi với PV NTNN/Dân Việt. (Ảnh: Hữu Anh)
Trong căn nhà cấp 4 “đại bản doanh” trang trại vịt trời và trồng rau, củ, quả trên cát của cựu binh Lê Hữu Thảo chúng tôi được nghe anh kể lại những ngày tháng hào hùng tham gia canh giữ biển đảo Tổ quốc, đặc biệt trong trận hải chiến Gạc Ma bi hùng ngày 14.3.1988, cựu binh Lê Hữu Thảo vẫn nhớ như in dù nay đã tròn 30 năm.
Sinh ra ở xã miền núi Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) Lê Hữu Thảo nhập ngũ tháng 2.1986, anh được biên chế vào Lữ đoàn 147 Quân chủng Hải quân. Đầu năm 1988, anh cùng đơn vị nhận lệnh tăng cường cho Lữ đoàn 146 đóng quân tại cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Sau đó Lê Hữu Thảo được bổ sung vào đơn vị mới, đêm 11.3.1988 (tức ngày 9 tết Mậu Thìn) anh lên tàu HQ604 ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Trường Sa.
Trang trại vịt biển 1000 con của cựu binh Lê Hữu Thảo. (Ảnh: Hữu Anh)
“Mờ sáng ngày 14.3.1988, tàu HQ604 đến đảo Gạc Ma, trước khi lên xuồng công binh để vào đảo công việc đầu tiên của chúng tôi là cắm cọc buộc cán cờ. Đúng lúc ấy, bất ngờ ngoài khơi xuất hiện 3 chiếc tàu chiến Trung Quốc. Chúng nhanh chóng hạ xuồng chạy vây quanh tàu HQ 604 của chúng tôi. Dù chúng bao vây nhưng anh em chiến sỹ vẫn chuyền tay nhau lá Quốc kỳ để vào đảo. Khi lá cờ đến tay người cuối cùng thì tiếng súng bắn chỉ thiên từ tàu Trung Quốc phát lệnh cho quân lính nổ súng. Những loạt đạn, loạt pháo xả vào quân ta, 9 đồng đội trên tàu HQ 604 sống sót. Trận chiến năm đó, 64 chiến sỹ của ta đã nằm lại”-Cựu binh Lê Hữu Thảo nhớ lại khoảng khắc đau thương trên đảo Gạc Ma của 30 năm về trước.
Cũng theo cựu binh Lê Hữu Thảo: “Khi lính Trung Quốc bắn tàu mình chìm, tôi và một số đồng đội nữa sau một hồi chống cự đành phải lặn sâu xuống biển mới tránh được đạn”.
Theo Hữu Anh/danviet.vn