Dễ "kiếm" tiền như nuôi cua vụ đông

Dễ "kiếm" tiền như nuôi cua vụ đông
Nuôi tôm vụ đông rủi ro cao nên người dân Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tận dụng ao hồ đầu tư thả giống nuôi cua. Nuôi cua chi phí ít, giá bán cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân.

Dễ “kiếm” tiền như nuôi cua vụ đôngNhiều diện tích nuôi tôm ở Cẩm Xuyên được tận dụng để nuôi cua vụ đông

Vụ đông, nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh "bỏ hoang" ao hồ do người dân không dám đầu tư vì rủi ro cao. Thế nhưng, tại một số vùng nuôi tôm ở huyện Cẩm Xuyên, người dân không để "lãng phí" diện tích mà đầu tư nuôi cua thương phẩm.

Sau khi thu hoạch vụ tôm, nhiều hộ dân ở vùng nuôi tôm Đập Gon ở thôn 3, xã Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) đã xuống giống nuôi cua vụ đông.

Chị Phan Thị Hà - một chủ đầm tôm ở đây chia sẻ: Những năm trước đây, chị nuôi tôm vụ đông nhưng hầu hết đều thất bại do thời tiết lạnh, tôm nuôi sinh trưởng chậm, dịch bệnh dễ xẩy ra, gây thiệt hại lớn.

Dễ “kiếm” tiền như nuôi cua vụ đôngCua giống tự nhiên thích hợp với môi trường, khí hậu nên dễ nuôi

"Bỏ tôm vụ đông, tôi tìm hiểu và đầu tư nuôi cua. Sau 3 năm nuôi cua vụ đông, vụ nào tôi cũng thành công, đem lại nguồn thu nhập khá cao. Tính ra, mỗi vụ nuôi cua thả 5.000 con thì chỉ cần đạt tỷ lệ sống 60% là có lãi. Sau thu hoạch, cua được bán với giá từ 350 - 400 nghìn đồng/kg (3 con/kg), trừ chi phí dễ dàng kiếm được từ 150 - 200 triệu đồng" - chị Hà cho biết thêm.

Dễ “kiếm” tiền như nuôi cua vụ đôngNuôi cua không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí thấp nhưng cho hiệu quả kinh tế

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc Hoàng Kim Túy cho hay: Trước đây, trên địa bàn xã chỉ có một vài hộ nuôi cua vụ đông, sau đó nhân rộng ra và đến nay đã có khoảng 10 hộ. Thực tế cho thấy, nuôi cua vụ đông ở Cẩm Phúc chủ yếu đầu tư tiền giống, còn chi phí thức ăn ít, không đòi hỏi kỹ thuật cao mà lại cho hiệu quả bền vững hơn con tôm. Xã cũng đang khuyến khích các hộ dân nuôi tôm khác trên địa bàn đầu tư nuôi cua nhằm giải quyết thời gian nhàn rỗi trong vụ đông...

Dễ “kiếm” tiền như nuôi cua vụ đôngSau 4 - 5 tháng thả nuôi, cua được bán bình quân với giá 350 - 400 đồng/kg

Dễ “kiếm” tiền như nuôi cua vụ đôngCua có trọng lượng từ 3- 4 lạng/con là đến kỳ thu hoạch

Đây là năm thứ 2 anh Lê Văn Toàn ở thôn Hương Thành, xã Cẩm Hưng nuôi cua vụ đông ở vùng Đồng Tùng. Anh Toàn cho biết: Với diện tích gần 1 ha, anh thả 7.000 con cua giống. Cua giống hầu hết là cua tự nhiên được anh mua từ các hộ dân trong huyện đánh bắt dọc các bờ sông gom lại đem bán. Mặc dù cua giống ở các tỉnh phía Nam khá nhiều, giá rẻ nhưng anh không mua vì không thích hợp với môi trường, khí hậu ở đây nên rất khó thành công.

Nuôi cua đơn giản gấp mấy lần nuôi tôm. Mỗi tuần chỉ cần cho cua ăn 3 lần, chủ yếu là cá tạp và món "khoái khẩu" nhất là con hà bám dọc các bờ kênh, chân cầu. Cua lớn rất nhanh, chỉ sau 3-4 tháng nuôi, cua đã có trọng lượng bình quân từ 3 - 3,5 lạng/con. Cua càng to bán càng được giá.

Dễ “kiếm” tiền như nuôi cua vụ đôngThay đổi đối tượng nuôi vụ đông đang là xu thế phát triển mạnh ở Cẩm Xuyên

Theo anh Nguyễn Hữu Minh - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên: Thay thế đối tượng nuôi vụ đông đang là xu thế phát triển mạnh tại một số vùng nuôi tôm ở Cẩm Xuyên, cho hiệu quả cao. Trước hết là các hộ dân không để cho đất "ngủ đông" mà tiếp tục khai thác sau khi thu hoạch tôm vụ 2.

Nuôi cua vụ đông người dân không phải lo đầu ra bởi thị trường tiêu thụ khá dồi dào. Mùa thu hoạch lại đúng vào dịp tết nên giá bán khá cao, tiêu thụ dễ. Mặt khác, nuôi cua vụ đông dịch bệnh ít, đặc biệt làm sạch môi trường ao nuôi để sau khi thu hoạch, người dân lại tiếp tục nuôi tôm, hạn chế được dịch bệnh xẩy ra.

Theo Trung Nam/baohatinh.vn