Đường lên biên giới có bao nhiêu loài hoa...
- Thứ ba - 04/09/2018 18:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đường hoa – con đường chất lượng cuộc sống
Qua cầu Trưng là cửa ngõ Sơn Kim 2, chạm vào Kim Bình, Chế Biến… đã là những đường hoa. Hoa được trồng lúc nào mà bây giờ đã chúm chím khoe sắc. Hoa hồng nhung đỏ thẩm thoang thoảng tỏa hương. Cúc vạn thọ khiêm nhường khoác màu cà sa tươi tắn. Hoa mặt trời nhuộm tím. Thi thoảng bên hàng rào xanh điểm xuyết những bông hoa dâm bụt rực rỡ.
Đường hoa thôn Chế Biến...
rực rỡ khoe sắc...
... và thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2
Tôi đã đến thôn Công Thương, An Sú của xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) để rồi ngơ ngẩn với hoa chiều tím. Những luống hoa chiều tím được trồng dọc hành lang vào thôn vào trụ sở UBND xã tạo nên một điểm nhấn đặc biệt.
Đường vào trụ sở xã Sơn Kim 1
Đã có lần, trên những đại lộ thành phố hoa Đà Lạt, lòng tôi chợt mơ ước về một tương lai không xa quê tôi sẽ có những con đường hoa rực rỡ sắc màu và thơm hương trời đất. Nay, điều mơ ước ấy đã hiện hữu khi dọc hai bên đường làng quê của xã miền núi biên giới Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 rực rỡ sắc hoa. Hiện hữu mà vẫn như một giấc mơ. Giấc mơ có thật.
Từ khi xây dựng nông thôn mới, những người lao động ở xã miền núi biên giới này đã tìm đến giống hoa và trồng hoa không chỉ ở nhà mình mà còn cả những nơi công cộng. Hoa mọc trong vườn, trước ngõ, hoa khoe sắc nơi hội quán, dọc các tuyến đường. Trường học, trạm xá đã “Hoa chăm cỏ xén, lối phẳng cây trồng”.
Hoa rực rỡ trên những con đường vào xã miền sơn cước
Không phải ngẫu nhiên mà người miền núi Sơn Kim bây giờ biết làm đẹp. Không chỉ đẹp người, đẹp nhà, mà còn đẹp đường, đẹp cảnh. Khi cuộc sống áo cơm no đủ, khi xã hội phát triển, người ta có biết bao nhiêu là nhu cầu. Cho nên, nhìn vào con đường hoa cũng phần nào hiểu được chất lượng cuộc sống của người dân ở nơi đây đã được nâng lên. Những người dân một nắng hai sương không chỉ biết làm đẹp mà còn biết phát triển thương mại về cái đẹp. Vườn phong lan nuôi trồng trong nhà lưới với công nghệ phun sương tự động của gia đình ông Phan Xuân Cầu (thôn Chế Biến) tết này đã cho thu hoạch, khẳng định hướng mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm của người nông dân Sơn Kim mà trước đây không ai dám nghĩ tới.
Tôi đã có dịp cùng bác Hồ Văn Anh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 2 đánh xe lên tuyến đường tuần tra biên giới. Từ thôn Chế Biến dừng lại ở Lâm Nghiệp 3 chỉ mất 13 phút. Những con đường khi uốn lượn quanh đồi chè, khi đi qua những rừng cây xanh biếc. Nhân dân Sơn Kim dưới sự lãnh đạo của Đảng đã biết phát triển chăn nuôi, trồng trọt để không “ăn vèn” vào rừng. Mùa nào cũng có hoa dại nở là điều kiện thuận lợi để nuôi ong. Măng, nấm, rau sạch từ rừng là những thứ có thể khai thác phục vụ cuộc sống thường ngày.
Đường hoa - con đường hạnh phúc
Với cụ Nguyễn Văn Mười - người đã đi qua 101 cái tết thì cần phải kể để cho con cháu hậu thế biết được con đường hoa thấm mồ hôi, xương máu của bao nhiêu thế hệ cha anh đi trước. Đó là những người cộng sản đã vào sinh ra tử, đã “nếm mật nằm gai” với núi rừng Kim Cương gây dựng phong trào, xây dựng cơ sở để năm 1945, Chi bộ Kim Cương ra đời lãnh đạo nhân dân phá tan xiềng xích đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Các loài hoa rực rỡ khoe sắc trên các con đường của xã Sơn Kim 2. Ảnh Tiến Phúc
Từ một chi bộ Đảng chỉ có 3 người, được tôi luyện thử thách qua hai cuộc cách mạng, đến nay, Đảng bộ xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 đã trưởng thành với một lực lượng hùng hậu, tiên phong trong mọi cuộc cách mạng, xây dựng quê hương giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhân dân hạnh phúc với lý tưởng cao đẹp của Đảng.
Theo cụ Mười, con đường hoa không chỉ có ý nghĩa cụ thể mà còn chứa đựng ý nghĩa ẩn dụ về con đường hạnh phúc mà Đảng mang lại cho nhân dân. Mỗi làng quê không chỉ có những con đường hoa, mà mỗi chi bộ, mỗi thôn xóm là vườn hoa, rừng hoa, mỗi con người là bông hoa, nụ cười nở trên môi hoa rạng rỡ. Nói rồi cụ khe khẽ ngâm câu thơ của Tố Hữu: “Bát cơm tấm áo, hương hoa, hồn người”
"Con đường hoa không chỉ có ý nghĩa cụ thể mà còn chứa đựng ý nghĩa ẩn dụ về con đường hạnh phúc mà Đảng mang lại cho nhân dân".
Những chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã làm lột xác vùng biên giới Sơn Kim. Những dự định, ước mơ, những khát vọng ngàn đời của người dân lao động ở biên giới phía Tây Tổ quốc đã hiện hữu trong đời sống thường ngày.
Con cháu của cụ Nguyễn Văn Mười, những thế hệ hậu sinh bây giờ là chủ gia trại, trang trại, là giám đốc công ty, HTX, lái xe ô tô đi làm, dám đầu tư lớn, mở cửa làm ăn với bạn bè, tiếp tục kế bước cha anh, dệt nên những con đường hoa rực rỡ.
Theo Lê Văn Vỵ/Bao Ha Tinh.vn