Gia đình “5 không, 3 sạch”: Cán bộ làm trước, hội viên theo sau
- Thứ sáu - 19/10/2018 09:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chị Lê Thị Hà – Chi hội Phụ nữ thôn Thắng Hòa nhớ lại: “Chừng 10 năm trước, khi điều kiện kinh tế gia đình còn rất khó khăn, tôi đã được chi hội phụ nữ thôn giúp đỡ, tạo điều kiện cho vay 4,5 triệu đồng từ nguồn quỹ của hội để nuôi 2 con lợn nái. Sau một thời gian tăng gia sản xuất, đàn lợn của tôi đã tăng lên 10 con, cuộc sống gia đình cũng nhờ đó mà đỡ chật vật hơn”.
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau mỗi ngày làm việc, chị em làm vườn đẹp để tăng thêm thu nhập
Năm 2010, chị lại được vay thêm 4 triệu đồng để sửa sang nhà cửa, xây dựng vườn sạch, làm nhà vệ sinh tự hoại. Từ đó, gia đình chị thoát khỏi cảnh nhà tranh vách đất, sử dụng công trình phụ không đảm bảo vệ sinh môi trường. Thay vào đó là một gian nhà kiên cố với công trình vệ sinh sạch sẽ. Khu vườn đầy cây tạp cũng được cải tạo, trồng rau xanh các loại, vừa phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa bán kiếm thêm thu nhập.
Ở thôn Thắng Hòa, xã Thạch Tân, hầu hết các chị em phụ nữ đều lên TP Hà Tĩnh làm thêm những công việc như giúp việc gia đình, bán hàng thuê, bốc vác, phụ hồ… Tuy thời gian ở thành phố nhiều hơn ở nhà, nhưng được sự vận động tích cực từ chi hội phụ nữ, các chị đều đã sắp xếp công việc, tranh thủ những lúc rảnh rỗi sau giờ làm việc để vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, làm vườn rau xanh.
Dù rộng hay hẹp, mỗi gia đình hội viên đều có một mảnh vườn nhỏ với rau xanh, các loại hoa làm để sạch đẹp cảnh quan môi trường
Chị Trần Thị Bình - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn là một trong những thành viên tích cực với phong trào phụ nữ nhiều năm nay. Không chỉ vận động, tổ chức tốt các hoạt động phong trào của chị em trong thôn, chị còn làm kinh tế vườn giỏi. Vợ chồng chị luôn tất bật với khu vườn rộng hàng nghìn m2 và chăn nuôi lợn, bò. 3 đứa con của chị Bình học hành đỗ đạt, nghề nghiệp ổn định cũng từ vườn rau có bàn tay chăm bón của anh chị. “Mình là cán bộ phụ nữ, phải đi trước làm gương cho chị em. Vườn nhà mình không đẹp, bếp nhà mình không sạch, con cái mình không chăm ngoan học giỏi thì làm sao vận động được mọi người thực hiện “5 không, 3 sạch” - chị Bình chia sẻ.
Thay đổi nếp sống bắt đầu từ việc thay đổi nếp nghĩ, cán bộ làm trước để hội viên tiếp bước theo sau. Đó là cách mà thôn Thắng Hòa đã làm và cho thấy hiệu quả rõ nét. Giờ đây, bước qua cổng làng là những tuyến đường sạch sẽ với hàng chiều tím mơn mởn, thẳng tắp. Dù rộng hay hẹp, mỗi gia đình đều tự làm cho mình mảnh vườn với các loại rau xanh dễ trồng, dễ chăm. Gần như, bà con chẳng mấy khi phải mua rau xanh, thậm chí nhiều gia đình còn có mang ra chợ bán.
Việc phân loại rác tại nguồn không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo thói quen sinh hoạt văn minh trong mỗi gia đình hội viên
Để tạo thói quen sinh hoạt nền nếp, sạch sẽ trong gia đình, chi hội phụ nữ đã phát cho mỗi hội viên 2 giỏ nhựa đựng rác thải phân hủy và rác hữu cơ. Việc phân loại rác tại nguồn không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn hình thành nếp sống văn minh tại mỗi thôn xóm. Từ ý thức giữ vệ sinh trong nhà, các chị cũng nhắc nhở thành viên trong gia đình tham gia dọn vệ sinh đường thôn, ngõ xóm. Qua đó, mối quan hệ hàng xóm, láng giềng cũng thêm gắn kết, chan hòa hơn. Có thể nói, cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân trong thôn đã thực sự đổi thay nhờ thực hiện “5 không, 3 sạch”.
Theo Kiều Minh/baohatnh.vn