Hà Tĩnh phát huy nội lực văn hóa để xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 14/09/2018 19:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khu dân cư kiểu mẫu thôn Phong Giang (Tiên Điền, Nghi Xuân)
Từ những bước đi quyết liệt, sáng tạo...
Hà Tĩnh từ xa xưa đã nổi tiếng là một vùng địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa. Những năm gần đây, bằng sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, sắc diện NTM ở tỉnh ta đã không ngừng đổi thay, cuộc sống ngày một thêm ấm no, hạnh phúc. Trong đó, cùng với kinh tế, văn hóa đã trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.
Bằng cách làm sáng tạo, quyết liệt, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 120 xã về đích NTM. Có 228 thôn đạt tiêu chí về khu dân cư kiểu mẫu. Cơ sở hạ tầng văn hóa được đầu tư xây dựng, hầu hết các xã, thôn trong tỉnh đã có nhà văn hóa, sân vận động, thư viện, hệ thống truyền thanh. Các di tích lịch sử văn hóa được trùng tu tôn tạo, phát huy các giá trị tốt đẹp. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi động trong mỗi làng quê…
Tiết mục diễn xướng "Gái phường vải, trai phường rèn" của CLB xã Trường Lộc
Những kết quả này là biểu hiện sinh động đời sống văn hóa nông thôn tỉnh ta, tạo dựng nên nhiều điểm sáng ở khắp các huyện, thành phố, thị xã, được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao. Cách làm NTM của Hà Tĩnh được nhiều địa phương trong cả nước đến tham quan, học tập.
Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân phấn khởi cho biết: "Trên nền văn hóa truyền thống của "Nghi Xuân bát cảnh", ngay từ khi bắt tay xây dựng NTM, huyện chúng tôi đã hết sức chú trọng xây dựng đời sống văn hóa nông thôn. Bên cạnh Tiên Điền - quê hương Đại thi hào Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều, còn có các xã như Xuân Giang, Xuân Mỹ, Xuân Viên, Xuân Hoa... đã trở thành những đơn vị dẫn đầu các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM. Tiên Điền, Xuân Hoa đã có cách làm độc đáo, sáng tạo, gắn văn hóa với du lịch homestay, du lịch trải nghiệm, tạo thêm nhiều việc làm mới cho nông dân, được du khách trong, ngoài nước đến thăm khen ngợi".
Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ và CLB Ca trù Cổ Đạm biểu diễn phục vụ du khách
Từ điểm tựa văn hóa, Nghi Xuân đã bứt phá vươn lên, trở thành huyện dẫn đầu trong phong trào xây dựng NTM toàn tỉnh và đang nỗ lực trở thành huyện NTM đầu tiên của Hà Tĩnh cuối năm 2018. Cuộc sống mới đang nở hoa trên vùng đất Nghi Xuân tươi đẹp.
Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ trở thành di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa xã NTM Trường Lộc (Can Lộc) và vốn văn hóa dòng họ Nguyễn Huy tài hoa vươn tầm, hội nhập quốc tế.
Thôn Nam Trà (Hương Trà) đẹp như một công viên xanh giữa huyện miền núi Hương Khê, bốn mùa ngập tràn hoa trái. Khách đến thăm nơi đây sẽ được chiêm ngưỡng vườn đẹp, nhà đẹp, đường đẹp, nếp sống đẹp với những người dân thân thiện, mến khách, năng động mà ngỡ như thấy phố ở trong làng...
Khu dân cư kiểu mẫu Nam Trà (xã Hương Trà, Hương Khê)
Ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng Xây dựng NTM tỉnh khẳng định: "Sức sống văn hóa NTM đang trỗi dậy mạnh mẽ khắp trên địa bàn tỉnh nhà. Cùng các điển hình trên, còn có những điểm sáng đáng trân trọng khác như Tùng Ảnh (Đức Thọ), Sơn Trung (Hương Sơn), Khánh Lộc (Can Lộc), Thạch Châu (Lộc Hà), Thạch Tân (Thạch Hà), Cẩm Thành, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Kỳ Châu (huyện Kỳ Anh) v.v... Mỗi nơi mỗi vẻ, có cách làm riêng, nhưng điểm chung là mỗi làng xã văn hóa, gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa đã được xây dựng bắt đầu từ những con người đầy nhiệt huyết và gắn bó máu thịt với quê hương. Chính họ - chủ thể của công cuộc xây dựng NTM - từ mỗi việc làm đầy tính nhân văn mà nuôi ước mơ lớn vươn đến cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho mình và cho muôn đời con cháu mai sau...".
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa (Sở VH-TT&DL) Thái Văn Sinh cho biết: "Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thực sự đã thành dòng chảy lớn, thấm sâu vào công cuộc xây dựng NTM ở tỉnh ta với những kết quả rõ rệt, bền chặt hơn rất nhiều so với những năm trước đây".
NTM Hà Tĩnh đang khởi sắc từng ngày, sức xuân văn hóa đang lan tỏa, hòa quyện bền chặt trong mỗi bước đi lên, làm nên những vùng quê giàu bản sắc và từng bước hiện đại.
Bài học lớn được rút ra từ thực tiễn, đó là mọi chủ trương của Đảng phải hợp lòng dân, phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, vừa chăm lo phát triển kinh tế, vừa chú trọng xây dựng đời sống văn hóa mới, làm cho người dân thành chủ thể sáng tạo và là người hưởng thụ văn hóa ở nông thôn.
Hướng đến nông thôn mới ấm no, bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, đời sống văn hóa nông thôn tỉnh ta còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, cản trở quá trình đi lên NTM. Đó là, không ít nơi cấp ủy, chính quyền và người dân còn chưa thấy hết tầm quan trọng, vai trò, vị trí có tính mở đường của văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, chưa chú trọng xây dựng môi trường văn hóa ngay trong từng làng xã, từng gia đình, dòng họ. Nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi, còn xẩy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, trộm cắp, thậm chí trọng án, gây mất an ninh chính trị, TTATXH.
Từ thực trạng đó, để NTM đi lên văn minh, hiện đại, bền vững, chúng ta cần thống nhất nhận thức chung là: Phát huy truyền thống, bồi đắp các giá trị văn hóa mới, hướng đến cuộc sống yên vui và hạnh phúc cho mọi người dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình xây dựng NTM ở tỉnh ta trong thời gian tới. Các giải pháp căn cơ gồm:
Trước hết, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khơi dậy mạnh mẽ các giá trị văn hóa truyền thống trong từng làng, xã, từng mỗi gia đình, dòng họ và trong mỗi người dân nông thôn. Từ đó, xây dựng mối cố kết cộng đồng bền chặt, đề cao thuần phong, mỹ tục; giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi địa phương. Một NTM yên vui, ấm no, hạnh phúc không thể xa cách với đạo lý bao đời của dân tộc và lẽ sống tốt đẹp cha ông để lại.
Cuộc sống vui tươi, thanh bình ở xã nông thôn mới Cẩm Yên (Cẩm Xuyên)
Hai là, trong xu thế hội nhập, cần hơn bao giờ hết việc xây dựng nếp sống văn minh cho người dân, bồi đắp các giá trị văn hóa mới theo tinh thần tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại theo định hướng công dân toàn cầu. Một NTM hiện đại thì người dân không thể quanh quẩn trong lũy tre làng mà phải vươn tới các chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong sáng, cao thượng, vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ trong tiến trình phát triển đất nước như nội dung Nghị quyết 33 NQ/TW (khóa XI) đã đề ra. Đó là: "Xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn".
Ba là, một NTM bền vững không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra sôi động hiện nay. Vì vậy, cần nỗ lực nâng cao dân trí, chuyển giao khoa học công nghệ, nâng tầm hiểu biết cho nông dân để họ vươn lên chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Từ đó, xây dựng nông thôn giàu đẹp, yên vui, hạnh phúc, thành "nơi đáng sống"; để cho mọi người, dù có "ly nông" nhưng không "ly hương" và gắn bó lâu bền với quê hương của mình.
Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Văn Khang, xã Đức Tùng (Đức Thọ - Hà Tĩnh)
Bốn là, phải coi đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển, từ đó, tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa gắn với tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, các giải đấu thể thao đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao cho bà con nông dân; chú trọng trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể.
Cuối cùng, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, tăng cường quản lý nhà nước, huy động mọi nguồn lực xã hội nhằm tạo điều kiện thực hiện các tiêu chí NTM về văn hóa, tạo sức mạnh đồng bộ đảm bảo cho NTM tỉnh ta phát triển bền vững, tươi đẹp, vì hạnh phúc của nhân dân.
Theo Bùi Đức Hạnh/Bao Ha Tinh.vn