Hơn 70 tuổi, cụ ông Hà Tĩnh vẫn “lướt” facebook để làm dân vận khéo
- Thứ ba - 29/10/2019 22:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dù bận rộn rất nhiều công việc nhưng ông Trực luôn dành thời gian để sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động và kết nối xây dựng NTM |
72 năm tuổi đời, 50 tuổi Đảng, trên chặng đường dài công tác, ông Nguyễn Trung Trực (SN 1947) - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Tân Khê chưa nề hà công việc gì khi được Đảng tin, dân bầu.
Sau 6 năm tham gia quân ngũ, năm 1978, ông về công tác tại địa phương và từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong Đảng ủy, UBND xã. Năm 2002, ngay khi về nghỉ chế độ, ông đã gánh vác nhiệm vụ mới: Bí thư Chi bộ HTX Tân Thắng (nhập từ 3 thôn: Tân Đông, Tân Thắng, Tân Khê).
Sau quá trình tách rồi lại nhập thôn, ông liên tục đảm nhận vai trò bí thư các chi bộ cho đến tận tháng 9/2019. Tại đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2019-2021, ông nhường vai trò đầu tàu cho thế hệ trẻ và làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Tân Khê để tiếp tục góp sức cho phong trào của địa phương.
Ông Nguyễn Trung Trực đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng NTM ở thôn Tân Khê
Dấu ấn sâu đậm nhất với ông Trực trong quá trình 15 năm gánh vác vai trò người đứng đầu cấp ủy thôn (bí thư chi bộ) là giai đoạn lãnh đạo thôn Tân Khê triển khai chương trình NTM, tập trung nhất là năm 2018, 2019.
Những yêu cầu cao mà chương trình đặt ra cùng cơ chế chính sách hỗ trợ của các cấp chính là “mảnh đất” để ông Trực vận dụng nhuần nhuyễn, khéo léo kinh nghiệm lãnh đạo của mình vào thực tiễn, đưa Tân Khê trở thành điểm sáng, hình mẫu để các thôn khác học tập, nhân rộng.
Lề đường thôn Tân Khê được bê tông hóa gần 100% từ ý tưởng và sự sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nhân dân của nguyên Bí thư chi bộ Nguyễn Trung Trực |
Với sự khéo léo trong công tác dân vận, ông Trực đã cùng cấp ủy chi bộ và đội ngũ cán bộ thôn từng bước huy động sức dân, “biến không thành có” để hoàn thành khối lượng công việc khá lớn trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Bí quyết của ông là chia nhỏ việc, vận động tối đa nguồn xã hội hóa từ con em xa quê thành đạt và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, phân kỳ đóng góp để giảm gánh nặng cho người dân. Nhà văn hóa thôn, đường trục thôn, kênh mương bê tông, rãnh thoát nước và nhiều công trình hạ tầng đã được xây dựng với tổng giá trị nhiều tỷ đồng.
Đạt được nhiều kết quả trong nỗ lực xã hội hóa nguồn lực, theo chia sẻ của ông Trực, chính các thiết bị điện tử với mạng xã hội facebook đã góp sức đáng kể để nhờ sự tác động, tính lan tỏa rộng lớn.
Một trong những trang facebook tuyên truyền xây dựng NTM của ông Trực
Một ví dụ điển hình đó là việc làm cổng chào thôn. “Sau khi đã hoàn thành nhà văn hóa, bê tông hóa toàn bộ đường trục thôn, việc làm cổng chào dù cần thiết nhưng làm cách nào để huy động nguồn lực từ bên ngoài, giảm bớt đóng góp của người dân.
Trăn trở mãi, tôi quyết định làm dự toán phần thô với số tiền 30 triệu đồng, chỉ thu mỗi hộ 200 ngàn đồng. Sau khi đã thành hình dáng, tôi chụp ảnh, quay video đăng lên facebook để kêu gọi con em xa quê ủng hộ".
Cổng chào thôn Tân Khê được xây dựng nhờ dân vận khéo
Số tiền con em gửi về, cộng với vận động thêm một số doanh nghiệp, gia đình có điều kiện kinh tế khá trên địa bàn đã giúp thôn hoàn thành cổng chào đầu tiên của xã Kỳ Giang với tổng giá trị 130 triệu đồng. Còn lại hạng mục cuối cùng bảng led điện tử trên cổng chào, một doanh nghiệp đã tự nguyện đóng góp 20 triệu đồng để lắp đặt.
Cách làm này đã được tôi chia sẻ cùng các thôn khác trong xã và Kỳ Giang đã hoàn thành toàn bộ hệ thống cổng chào các thôn với sự đồng tình cao của người dân.
Trong gần 10 năm xây dựng NTM ở thôn Tân Khê, hình ảnh dễ nhận thấy của ông Trực đó là bất kỳ công trình nào, phần việc nào cũng xắn tay lao động tích cực vừa làm vừa vận động bà con.
Từ khi còn là một lãnh đạo thôn đến lúc giữ cương vị người đứng đầu chi hội
người cao tuổi, mỗi công việc trước khi triển khai, ông Trực luôn tranh thủ ý kiến của mọi người
Bà Nguyễn Thị Phú - một người dân trong thôn nói: Không chỉ bản thân mình tiên phong, ông còn vận động gia đình lo nước nôi phục vụ bà con trong những ngày góp công xây dựng các công trình hạ tầng.
"Buông tay cuốc, tay ven, ông ấy lại cầm máy chụp ảnh, quay video đăng lên trang facebook để bà con trong thôn thêm phấn khởi và để con em ở xa theo sát từng phần việc, sự đổi mới của quê hương” - bà Phú nói.
Khoảng thời gian thư giãn trong khu vườn mẫu của gia đình
72 tuổi, sau 15 năm giữ chức chủ trì các thôn, ông Trực lui về lãnh đạo phong trào Chi hội người cao tuổi thôn Tân Khê. Thu hút sự tham gia của phần lớn người cao tuổi trên địa bàn, Chi hội đã đưa CLB dân ca ví giặm, CLB bóng chuyền hơi vào hoạt động sôi nổi, bổ ích. Các cụ còn xây dựng vườn ươm cây giống hàng rào xanh để làm đẹp những tuyến đường.
Và trong những năm tháng cống hiến tuổi già của mình, những trang facebook của người đảng viên 50 năm tuổi Đảng lại rộn ràng chuyển tải bức tranh cuộc sống mới, nông thôn mới ở quê hương Kỳ Giang đến với con em, bè bạn muôn nơi.
Theo Vũ Huyền/baohatinh.vn