Kinh doanh thành công từ “hạt vàng” quê hương

Kinh doanh thành công từ “hạt vàng” quê hương
Thuở thiếu thời từng nhặt chè nấu nước bán góp tiền đi buôn gạo đã giúp chị Nguyễn Thị Hường ở xã Bình Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) tìm ra đi riêng trong nghề “hàng sáo”. Cơ sở thu mua lúa gạo của chị Hường đã trở thành một trong những điểm kinh doanh lớn nhất vùng chợ Huyện hiện nay.

Kinh doanh thành công từ “hạt vàng” quê hương
Tình yêu, sự tỷ mẩn trong nghề đã giúp chị Nguyễn Thị Hường thành công trong lĩnh vực kinh doanh nông sản

Vợ chồng chị Hường đều trưởng thành từ gia đình nông dân nghèo nên đến lúc cưới nhau, vốn liếng chỉ đủ quay vòng buôn mỗi ngày vài cân gạo. Đi làm “hàng sáo” mà vẫn phải ăn cơm độn khoai, sắn. “Khổ nhất là thời điểm con nhỏ nheo nhóc, lúa đong về phải xay bằng tay rồi mới mang ra chợ bán, vợ chồng bận tối mắt nhưng nhờ chịu khó, kiên trì tích góp nên vốn liếng lớn dần. Đến năm 2006, chúng tôi vay thêm ngân hàng và Quỹ Phát triển phụ nữ mua máy xay xát, từ đó làm ăn ngày càng thuận buồm xuôi gió” - chị Hường chia sẻ.

Mở rộng quy mô kinh doanh, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chị Hường làm cả 2 đầu cung - cầu để phát triển một cách bền vững. Gia đình chị xây kho cất trữ hàng và thu mua lúa gạo ở khu vực trung tâm vùng chợ Huyện để bà con nông dân thuận lợi khi đưa sản phẩm đến bán. Hệ thống máy xay xát được đầu tư đồng bộ và thường xuyên ứng dụng công nghệ mới để mang lại hiệu quả cao nhất.

Kinh doanh thành công từ “hạt vàng” quê hương
Cơ sở thu mua lúa, gạo của chị Hường đã trở thành điểm tiêu thụ sản phẩm của nông dân trong vùng

Các đầu mối cung cấp hàng hóa ổn định, thường xuyên được chị Hường gây dựng bằng quan điểm sẵn sàng chia sẻ với người nông dân. Cơ sở của chị luôn đón nhận mọi đối tượng khách hàng cung ứng sản phẩm, dù có lúc chỉ là vài yến lúa để mua sách vở cho con. Những thời điểm lúa ế ẩm, để chia sẻ khó khăn với bà con, chị chấp nhận vay vốn, thu mua theo nhu cầu của bà con.

Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lộc Phan Thị Tâm cho biết: "Chị Hường là một hội viên nòng cốt, luôn tham gia tích cực các hoạt động của hội. Chia sẻ, đồng cảm với những chị em có hoàn cảnh khó khăn, cơ sở kinh doanh của gia đình chị Hường không chỉ luôn sẵn sàng thu mua sản phẩm nhỏ lẻ mà còn hỗ trợ vốn khi chị em cần".

Xem việc xây dựng mạng lưới khách hàng thu mua sản phẩm là yếu tố quyết định, ngoài những thị trường tiêu thụ lân cận, chị Hường đã kết nối thành công với các đại lý lớn ở Nghi Xuân và TP Vinh (Nghệ An).

Năm 2008, chị đầu tư vốn mua 3 xe vận chuyển hàng hóa; đa dạng hóa các loại lúa, gạo theo yêu cầu của đối tác và đặc biệt đảm bảo chất lượng, số lượng sản phẩm để tạo niềm tin đối với khách hàng. Đến nay, cơ sở thu mua lúa gạo của gia đình chị Hường đã đạt quy mô kinh doanh hơn 60 tấn gạo mỗi năm với các sản phẩm chủ lực là lúa Thiên ưu, Nghệ An, Khang dân, Xuân Mai.

Kinh doanh thành công từ “hạt vàng” quê hương
Chị Hường "truyền nghề" cho con dâu cả Nguyễn Thị Ánh

Trưởng thành từ nghề kinh doanh, chị Hường đã đào tạo cho các con học nghề buôn từ nhỏ. “Cho con ăn học đầy đủ nhưng tôi xác định, không phải nhất thiết phải làm việc ở cơ quan, doanh nghiệp mà khuyến khích con tự mình kinh doanh và tạo mặt bằng ở khu vực vùng chợ Huyện để các cháu có cơ sở phát triển hướng đi của mình. Riêng vợ chồng anh con trai cả đang dần tiếp quản nghề kinh doanh nông sản của mẹ”.

Con dâu của chị Hường - em Nguyễn Thị Ánh cho biết: “Em học mẹ trước hết là ở tình yêu với hạt lúa, hạt gạo của người nông dân. Mẹ kể, thuở nhỏ, mẹ thường xuyên đi nhặt từng hạt tấm người ta xay còn sót lại để chống đói cho cả nhà. Vì vậy, khi kinh doanh sản phẩm này, mẹ rất tỉ mẩn, chăm chút, một hạt gạo rơi mẹ cũng tiếc. Đặc biệt, mẹ luôn nhắc phải biết đồng cảm, chia sẻ với những người nông dân làm ra những hạt vàng”.

Theo Vũ Dung/bao Ha Tinh.vn