Lạ: Có trái ngọt bị chê, trồng trái chua khách lại kéo về nườm nượp
- Thứ hai - 16/07/2018 02:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mặc cho “lời ra tiếng vào”, năm 1996, anh Lê Văn Lợi quyết định nhân rộng mô hình vườn táo trên khu đất rộng 5.000m2 (5 sào) và đã thành công. Vườn táo đã giúp cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định.
Anh Lê Văn Lợi bên vườn táo chua hút khách cuối tuần của gia đình.
Hiện vườn táo gia đình anh tạm coi là “độc nhất, vô nhị” ở Đồng Nai, không chỉ trồng để thu hoạch quả đem bán, anh còn phát triển theo hướng du lịch sinh thái vườn. Thứ bảy và Chủ nhật hàng tuần anh mở cửa đón du khách gần xa đến tham quan, ăn táo và chụp hình tại vườn với giá 15.000 đồng/người.
Vườn táo 22 năm tuổi
Anh Lợi kể, trước đây, anh từng là giáo viên dạy tiểu học ở Kiên Giang, do mức lương thời đó quá thấp không đủ để trang trải cuộc sống cá nhân và gia đình nên anh đành phải từ giã nghề sau 2 năm “gõ đầu trẻ”. Năm 1993, thấy cà phê được giá, bố anh đã đến Đồng Nai tìm mua đất (chỗ ở hiện nay) để đầu tư làm ăn với mong muốn phát triển kinh tế gia đình. Chỉ tay về phía khu vườn bên hông nhà, anh Lợi cho hay: “Hồi đó, gia đình tôi phải bán rất nhiều lúa ở dưới quê cùng với tiền dành dụm, tất cả được 5 cây vàng để mua 5 sào đất trồng cà phê”.
Tuy nhiên sau đó, cà phê rớt giá liên tục, thậm chí có thời điểm giá cà phê chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg. Hơn nữa, cây cà phê chỉ phù hợp với đất đỏ, trong khi nơi đây là vùng đất sét, nếu tiếp tục duy trì sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghĩ vậy, anh Lợi đã chặt bỏ cà phê và chuyển sang trồng thử nghiệm một số cây khác như: sầu riêng, măng cụt, bưởi… nhưng cũng không hiệu quả.
Một lần về thăm quê, anh Lợi đã đem giống táo ngọt lên trồng dọc bờ ao, bờ suối với mục đích tạo bóng mát cho khu vườn. Anh trồng 100 cây thì chết 16 cây, còn lại 84 cây. Khi táo đến giai đoạn thu hoạch trái thì gia đình anh gặp khó khăn về đầu ra, vì lúc ấy nhiều người chưa biết đến loại trái này.
Hằng ngày, vợ chồng anh Lợi kiên trì đi “chào hàng” các vùng lân cận, mời khách ăn miễn phí, đồng thời ký gởi tại các chủ sạp buôn bán rau, củ, quả mỗi nơi 5kg, khi nào bán được táo thì họ mới trả tiền. Cố gắng lắm mỗi ngày vợ chồng anh cũng chỉ bán được 40 - 50kg, với giá từ 3.000-5.000 đồng/kg. Đổi hướng, anh chở táo qua chợ Long Thành (huyện Long Thành) bán với hy vọng người mua sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, người dân huyện Long Thành không chuộng táo ngọt nên lượng người mua rất ít. Nhiều thương lái gợi ý, nếu anh trồng được giống táo chua thì họ sẽ đặt với số lượng lớn (mỗi người đặt từ 30 - 50kg/ngày).
Năm 1996, anh Lợi bắt đầu đi tìm hiểu và biết được giống táo chua có nguồn gốc từ huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương). Anh đã liên hệ và nhờ người chuyển từ miền Bắc vào 400 cây giống (giá 5.000 đồng/cây) để trồng khu vườn 5 sào. “Khi tôi bắt tay vào làm, nhiều người xung quanh bàn ra vì cho rằng tôi làm những việc không giống ai và chỉ nhận lấy thất bại. Tuy nhiên, tôi không quan tâm người ta nói gì và vẫn quyết làm bằng được”, anh Lợi nhớ lại. |
Thời gian đầu, anh Lợi gặp nhiều khó khăn vì 400 cây táo giống trồng xuống thì có khoảng 150 cây bị chết. Anh tìm hiểu nguyên nhân thì biết, do vận chuyển quãng đường quá xa, trong khi cây giống không được bọc đất quanh rễ để giữ độ ẩm, dẫn đến cây bị mất sức và chết.
Quyết không để những cây còn lại tiếp tục chết, hằng ngày anh chăm sóc chu đáo bằng cách tưới nước, bón phân đầy đủ. Nhờ vậy, cây đã sống và ngày càng phát triển tốt tươi. Hiện trong vườn của anh có 300 gốc táo được 22 năm tuổi (10% táo ngọt và 90% táo chua).
Mỗi năm, vườn táo của anh Lợi cho thu hoạch 2 đợt, đợt 1 từ tháng 5 đến tháng 7 và đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 11. Đến tháng 12, anh Lợi bắt đầu cưa hết cành chỉ giữ lại gốc để mùa sau cây mọc cành mới và cho năng suất cao hơn. Trung bình mỗi năm, anh thu khoảng 5 tấn táo, với giá 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu hơn 50 triệu đồng.
Anh Lợi chia sẻ kinh nghiệm trồng táo, việc chăm sóc cây táo không phức tạp như một số cây trồng khác vì sức đề kháng của cây rất tốt. Tuy nhiên, cây táo thường mắc một số bệnh, như: sâu đục quả, nấm làm chết cành và thối quả…Cho nên, người trồng phải thường xuyên phát dọn sạch sẽ hàng rào xung quanh và trong khu vườn; trước khi thu hoạch phải phun thuốc phòng ngừa. “Người trồng phải biết canh thời điểm xịt thuốc một cách phù hợp để diệt được sâu gây bệnh, vừa đảm bảo sản phẩm sạch cho người tiêu dùng”, anh Lợi nói.
Thu hút du khách đến tham quan
Chúng tôi đến nhà anh Lợi vào sáng thứ 7 và chứng kiến rất nhiều du khách đến tham quan mô hình vườn táo. Trong thời gian hơn nửa giờ đồng hồ đã có 5 đoàn với khoảng 40 người đến tham quan. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với anh Lợi liên tục bị gián đoạn vì một mình anh phải làm nhiều việc: thu tiền, hướng dẫn khách vào khu vực vườn táo đẹp và có nhiều trái chín ngon, căn dặn trẻ em không nghịch phá…
Ngày càng đông du khách đến tham quan, "sống ảo" ở vườn táo của gia đình anh Lê Văn Lợi.
Chị Nguyễn Thị Như Ý (21 tuổi, ngụ huyện Long Thành) cho hay, chị biết được mô hình vườn táo thông qua trang Facebook “Tôi yêu Long Thành”. Thấy hình ảnh đẹp nên chị đã dẫn bạn bè, người thân đến tham quan nhân ngày nghỉ cuối tuần. “Cảnh vườn táo đẹp, không khí trong lành, mát mẻ, sạch sẽ. Sau chuyến đi này, mình sẽ giới thiệu cho nhiều người đến tham quan”, chị Ý chia sẻ.
Còn chị Võ Thị Hồng Hạnh (21 tuổi, huyện Cẩm Mỹ) đã biết vườn táo từ năm học lớp 8. “Lúc đó, nghe mọi người truyền tai nhau là có vườn táo đẹp nên nhóm bạn của mình đã chạy xe đạp đến tham quan. Từ đó, mỗi lần đến mùa táo chín là các thành viên trong nhóm lại đến đây chơi, chụp hình, vừa được ăn táo tươi ngon từ trên cây hái xuống”, chị Hạnh tâm sự.
Anh Lợi cho biết, theo thời gian, mỗi gốc cây táo phát triển ngày một lớn và tạo ra những hình dáng đẹp theo tự nhiên, chứ anh không tác động vào. Công việc chính của anh là chăm sóc làm sao cho cây ra nhiều trái để hái bán kiếm tiền lo cuộc sống hằng ngày.
Năm 2003, thấy vườn đẹp, nhiều người xin vào chụp hình và mua táo về ăn. Từ đó, gia đình anh nghĩ ra hướng làm ăn mới là mở cửa vào ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần để du khách vào tham quan, chụp hình, vừa thưởng thức món táo ngon. Giá vào cổng chỉ ngang với giá một ký táo (15.000 đồng/người).
“Thời gian đầu, vợ chồng tôi cũng mệt mỏi với các trường hợp khách vào vườn nghịch phá, họ chỉ ăn một nửa trái táo, còn một nửa đem vứt lung tung, hoặc họ hái trái non ném đùa giỡn nhau. Có ngày vợ chồng tôi thu dọn hơn 3 xe rùa táo non, táo ăn nửa rồi vứt. Sau này, tôi làm bảng nội quy nhắc nhở và gần như không còn trường hợp nghịch phá nữa”, anh Lợi bộc bạch .
Những năm gần đây, các trang mạng Zalo, Facebook phát triển mạnh, nhiều du khách sau khi đi tham quan mô hình vườn táo về đã đưa hình lên trang mạng cá nhân. Từ đó, lượng người biết và tìm đến tham quan mô hình vườn táo của anh Lợi ngày một đông hơn. Anh Lợi cho biết, thời gian gần đây, lượng khách về vườn táo ngày càng đông, không những khách ở Đồng Nai mà còn ở TP. Hồ Chí Minh... Cũng đã có một số người gọi điện đến liên hệ đặt vấn đề dẫn đoàn khách với số lượng lớn đến tham quan vườn táo. Cho nên, hướng sắp tới, anh tiếp tục đầu tư mô hình vườn táo theo hướng du lịch sinh thái vườn để phục vụ khách tốt hơn. Cụ thể, anh sẽ đầu tư xây dựng quán bán đồ ăn, nước uống; làm chòi trong vườn để khách nghỉ chân; trang trí vài điểm đẹp trong vườn và quanh bờ ao để du khách chụp hình lưu niệm… |