Làm giàu từ trang trại ở Hà Tĩnh
- Thứ năm - 02/10/2014 06:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những trang trại “khủng”
Từ TP. Hà Tĩnh đi qua địa phận huyện Can Lộc rồi men theo đường Hồ Chí Minh cùng với các cán bộ Agribank Hà Tĩnh, chúng tôi lên huyện miền núi Vũ Quang, nơi có khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng. Khi biết ý định của tôi muốn tìm hiểu về hiệu quả của nguồn vốn đối với sự phát triển kinh tế trang trại ở địa phương, ông Lê Đình Khánh, Phó giám đốc Agribank huyện Vũ Quang không chút do dự khi giới thiệu xuống xã Đức Bồng, nơi có giống cam bù nổi tiếng. Theo lời ông Khánh, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, từng đoàn xe nối đuôi nhau về chở cam rồi tỏa đi khắp mọi miền, tạo nên một không khí nhộn nhịp hiếm có ở miền sơn cước.
Sau gần 15 phút đi bộ dưới nắng gắt, vượt qua con đường liên thôn đang thi công dang dở, chúng tôi đến gia đình anh Lê Khánh Toàn ở xóm 6, xã Đức Bồng. Đây là một trong những hộ dân đã vay vốn từ Agribank đầu tư trang trại trồng cam. Trò chuyện với chúng tôi, anh Toàn chia sẻ, sau nhiều năm chật vật mưu sinh bằng đủ nghề nhưng vẫn khó khăn, năm 2011 nhận thấy vùng đất này phù hợp với cây cam, hai vợ chồng anh Toàn quyết định vay Agribank huyện Vũ Quang hơn 200 triệu đồng để trồng cam.
Vất vả, khó khăn đủ bề nhưng trời không phụ lòng người, đến nay gia đình anh đã có trang trại trồng cam rộng 9 ha với khoảng gần 2.000 gốc cam bù, cam chanh. Mỗi năm thu hoạch từ trang trại khoảng 800 tấn cam các loại, trừ hết các chi phí cũng cho thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng.
Cũng giống gia đình anh Toàn, từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của Agribank, nhiều hộ ở Đức Bồng, Đức Giang, Đức Hương, Sơn Thọ… đã mạnh dạn chọn cây cam làm cây trồng chủ lực, tạo nên những trang trại bạc tỷ trên vùng đồi núi vốn rất hoang vu. Bộ mặt nông thôn của miền sơn cước Vũ Quang đang từng ngày khởi sắc.
Mô hình trồng cam của gia đình anh Lê Khánh Toàn ở Vũ Quang
Rời Vũ Quang, chúng tôi ngược lên Hương Sơn. Đây là một trong những địa phương có nhiều mô hình phát triển trang trại ở Hà Tĩnh. Không ít hộ nông dân ở đây đã vươn lên trở thành tỷ phú từ chính đất đồi quê hương với những trang trại nuôi heo, nuôi hươu lấy nhung…
Theo lời giới thiệu của bà Cao Thị Ngân Bích, Giám đốc Agribank chi nhánh Hương Sơn, một trong những trang trại “khủng” nhất ở Hương Sơn là của ông Lê Xuân Bính ở xã Xuân Long. Năm 2012, ông Bính vay Agribank huyện Hương Sơn số tiền 3,3 tỷ đồng cùng với vốn tự có đầu tư trang trại nuôi đến 450 lợn nái.
Đến nay, doanh thu mỗi tháng từ trang trại đạt khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí lời ròng khoảng 170 triệu đồng/tháng. Trang trại giải quyết việc làm thường xuyên cho 14 lao động ở địa phương với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng… Từ khi mới thành lập đến nay, trang trại của gia đình được Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) “chọn mặt gửi vàng” khi bao tiêu hết sản phẩm.
Bên cạnh những trang trại nuôi heo đang làm ăn hiệu quả từ vốn vay của Agribank, chăn nuôi hươu ở Hương Sơn cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế. Gia đình ông Phan Văn Luật ở xã Sơn Lâm là một điển hình về nuôi hươu ở địa phương. Từ 400 triệu đồng vay của Agribank huyện Hương Sơn, gia đình đã phát triển được đàn hươu 70 con. Theo ông Luật, nuôi hươu không tốn nhiều công sức, ít bệnh tật lại có thu nhập khá cao. Với giá bán mỗi kg nhung hươu trên thị trường hiện nay dao động từ 13 - 15 triệu đồng, mỗi năm gia đình thu hàng trăm triệu đồng từ nhung hươu…
Vai trò chủ lực của Agribank
Xác định vai trò quan trọng của việc phát triển kinh tế trang trại nói riêng, nông nghiệp nói chung, từ cuối năm 2010 Hà Tĩnh đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với việc xác định 13 sản phẩm hàng hóa chủ lực. Trong đó, tập trung phát triển 4 con (heo, tôm, bò, hươu) và 3 cây (rau củ quả chất lượng cao, cam, bưởi). Từ đó đến nay, trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều các trang trại làm ăn có hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có khoảng 750 mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, 260 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng…
Có thể nói, việc phát triển các trang trại trong thời gian qua ở Hà Tĩnh đã góp phần tăng hộ giàu, hình thành tư duy sản xuất hàng hóa; xuất hiện nhiều mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả giữa nhà nông với DN, thay đổi tư duy mạnh dạn vay vốn làm ăn, xóa bỏ sản xuất nhỏ lẻ manh mún... Bên cạnh nguồn vốn từ các DN đầu tư, khi xây dựng mô hình liên kết với các trang trại thì nguồn vốn từ Agribank Hà Tĩnh đóng vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển trang trại ở địa phương thời gian qua.
Từ vốn vay của Agribank, nghề nuôi hươu đang được phục hồi và phát triển
Bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc Agribank Hà Tĩnh cho biết, chi nhánh luôn chú trọng dành vốn cho vay trung hạn để ưu tiên phát triển kinh tế trang trại, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho chi nhánh.
Đồng hành cùng sự phát triển của kinh tế trang trại, Agribank Hà Tĩnh đã và đang tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, đưa nguồn vốn rẻ đến với từng khách hàng, nhân rộng các mô hình trang trại sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Với phương châm bảo đảm đúng đối tượng, phát huy tốt hiệu quả đồng vốn cho vay trang trại, cán bộ tín dụng từ tỉnh xuống huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc khách hàng sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn, nâng cao hiệu quả đồng vốn…
Tuy nhiên, trong thực tế việc cho vay trang trại ở Hà Tĩnh cũng đang gặp không ít khó khăn. Đa số các trang trại hình thành, phát triển một cách tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể, chưa hình thành được liên vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Thời hạn giao đất ngắn, mức hạn điền thấp; thủ tục giao đất, cho thuê đất còn nhiều khó khăn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rất chậm làm ảnh hưởng tới quá trình đầu tư phát triển. Nhiều trang trại vì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc cấp giấy chứng nhận trang trại cũng chỉ mang tính hình thức, không có giá trị thế chấp vay vốn ngân hàng...
Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 phải hoàn thành việc quy hoạch tổng thể về phát triển trang trại. Theo đó, mức tăng số lượng trang trại hàng năm đạt khoảng 20%. Đến năm 2016, về lợi nhuận 20% số trang trại có lợi nhuận dưới 100 triệu đồng, 50% số trang trại có lợi nhuận hàng năm đạt từ 100 đến 500 triệu; 30% số trang trại có lợi nhuận hàng năm đạt từ 500 triệu đồng trở lên…
Để đạt được những mục tiêu này, bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng, các ban ngành liên quan cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt các chính sách tín dụng đối với kinh tế trang trại. Việc quy hoạch phát triển các trang trại cần gắn với định hướng thị trường để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài...
Bài và ảnh Hoàng Lượng
Nguồn thoibaonganhang.vn