Lộc Hà ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất
- Thứ ba - 19/06/2018 19:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giống lúa Kim cương 111 được đưa vào sản xuất vụ xuân 2018 tỏ rõ được ưu thế trên đồng ruộng Lộc Hà
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn cho biết: "UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ, du nhập một số giống, loài nuôi mới về trên địa bàn huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Cá chẽm, cá mú, cá hồng mỹ, vịt siêu thịt, siêu trứng, ngan Pháp… Bên cạnh đó, thời gian qua, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất hàng hoá, đạt hiệu quả kinh tế cao, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm."
Hầu hết ao nuôi tôm ở Lộc Hà đã được lót bạt, vỗ bờ xi măng.
Ngoài ra, các mô hình mới như nuôi tôm trong ao đất vỗ bờ, lót bạt; nuôi tôm có sục khí đáy, ương tôm trong nhà dèo… được áp dụng ngày càng nhiều. Cùng với đó, hình thức nuôi xen ghép (tôm - cua - cá, cá - lúa, cá - vịt), luân canh (1 vụ tôm, 1 vụ cá), nuôi sinh thái đạt hiệu quả bền vững và góp phần cải thiện môi trường. Trên địa bàn huyện cũng xây dựng được 1 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt tại xã Ích Hậu, trong 6 tháng đầu năm đã sản xuất được trên 30 triệu con giống cá rô phi.
Ứng dụng tiến bộ KHKT, đa dạng hóa hình thức và đối tượng nuôi đã tạo nên sự thay đổi lớn trong cơ cấu diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trên đất Lộc Hà. Và quan trọng hơn, các vùng đất hoang hóa như vùng Xạ Lậm, xã Ích Hậu đã được hồi sinh, khai thác...
Cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt của HTX NN&NTTS Lộc Hà tại xã Ích Hậu đảm bảo cung cấp cá giống chất lượng cao cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Ông Phan Trọng Thanh - cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi của huyện, cho biết: Công tác ứng dụng và chuyển giao KHKT vào sản xuất nông nghiệp được huyện đẩy mạnh. Theo đó, đã đưa vào sản xuất thử, sản xuất đại trà nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, như: lúa TBR45, Kim cương 111; dưa Thái... Hiện, Trung tâm đã phối hợp với Dự án Các - bon thấp Hà Tĩnh tổ chức kiểm tra vận hành các bể biogas đã lắp đặt để đánh giá về hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Đồng thời, khảo sát các hộ chăn nuôi ở xã Thạch Mỹ để lắp đặt bể biogas trong thời gian tới.
Mô hình dưa hấu phủ ni lông cho năng suất cao ở xã Mai Phụ.
Cũng theo ông Thanh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, các địa phương trên địa bàn huyện đã xây dựng và triển khai một loạt mô hình sản xuất có đối tượng nuôi trồng mới như các giống lúa.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Lộc Hà.
Cùng với đó, huyện tổ chức nghiệm thu mô hình nuôi cua đồng kết hợp với sản xuất lúa tại xã Tân Lộc; triển khai sản xuất thử các giống lúa trong vụ hè thu như: DQ11, Kim cương 111... Một số phương án mô hình ứng dụng KHCN trong trồng hành tăm quy mô 2ha tại thôn Quan Nam xã Hồng Lộc; phương án vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng tại xã Hồng Lộc... cũng đã được xây dựng để triển khai trong thời gian tới.
Theo UBND huyện, nhờ đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nên tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua của ngành nông nghiệp huyện Lộc Hà đạt 8,17%%/năm; tổng giá trị của ngành tăng từ 375,3 tỷ đồng năm 2008 lên 761,1 tỷ đồng năm 2017; giá trị sản phẩm trồng trọt tăng lên 48,4 triệu đồng/ha năm 2017, giá trị sản phẩm thủy sản tăng lên 150,33 triệu đồng/ha. Ngành nông nghiệp phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững.