Mô hình nông - lâm kết hợp ở Hà Tĩnh: "Quýt ngọt lấp lá"?!
- Thứ ba - 14/08/2018 05:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có trên 600 mô hình kinh tế thực hiện trên đất lâm nghiệp. Trong đó, có gần 50 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, trên 80 mô hình cho doanh thu từ 500 triệu đồng - dưới 1 tỷ đồng/năm.
Đáng mừng là mô hình sản xuất nông lâm kết hợp phân bổ khá đều trên các địa phương có rừng trong tỉnh. Sản xuất tổng hợp, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, trồng cây nông nghiệp và trồng xen cây công nghiệp dài ngày là hình thức sản xuất chủ đạo.
Mô hình nông lâm kết hợp này đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi...
Hộ ông Lê Đình Nam, xóm Phố Cường, xã Gia Phố (Hương Khê) xứng đáng với mô hình điểm của huyện. Nhờ được đầu tư bài bản theo hướng đa cây, đa con bền vững, doanh thu của mô hình đạt trên 1 tỷ đồng/năm khi chăn nuôi 1.200 con lợn thương phẩm, 1.500 con gà, 500 cây bưởi, 500 cây cam...
Chị Lê Thị Thắm - cán bộ Phòng NN&PTNT Hương Khê, cho biết, toàn huyện hiện có gần 100 mô hình nông lâm cho doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Qua khảo sát, đánh giá, các mô hình tổng hợp có hiệu quả khá cao và bền vững; sản phẩm chính là cam các loại, bưởi Phúc Trạch, bò, lợn, hươu, nuôi ong, gia cầm và keo tràm.
“Với sự đa dạng về sản phẩm đầu ra, cho thu hoạch vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm và không phải bỏ nhiều kinh phí đầu tư cùng một lúc nên mô hình nông lâm kết hợp đã đem lại hiệu quả và cho thu nhập cao cho nông hộ. Nhờ có sự đa dạng về loại sản phẩm đầu ra đã góp phần giảm rủi ro về thị trường và ảnh hưởng của giá cả tiêu thụ sản phẩm”, chị Thắm cho hay.
Mô hình kinh tế nông lâm kết hợp của ông Nguyễn Sỹ Hùng ở thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn) cũng là một điển hình đáng nhân rộng. Nhìn từ trên cao, trang trại của gia đình anh được bố trí khá liên hoàn, khoa học. Phần đất gần khe suối được đào thành ao nuôi cá. Gần 2 ha đất đồi có độ dốc vừa phải được anh bố trí trồng cam theo đường đồng mức; phần núi dốc hơn được trồng rừng (chủ yếu là keo tràm). Với mô hình này, mỗi năm cho gia đình anh doanh thu khoảng 400 - 500 triệu đồng.
Mô hình trồng cỏ nuôi bò, thả gà đồi, trồng cây ăn quả có múi và trồng keo nguyên liệu của ông Nguyễn Luận (thôn Bình Phong, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang) mỗi năm cũng mang về nguồn thu nhập cho gia chủ khoảng 200 - 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, hiện chưa có quy hoạch phát triển kinh tế trang trại nông lâm kết hợp. Hầu hết các mô hình trên địa bàn tỉnh đều tự phát nên chủ yếu đều nhỏ lẻ, chưa có quy mô lớn, liên kết với các doanh nghiệp...
“Việc sản xuất nông lâm kết hợp của các hộ dân lâu nay chưa được chính quyền địa phương huyện, xã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; chưa thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định...”, một cán bộ nông nghiệp tỉnh, cho hay.
Thực tế tại các địa phương, cho thấy, tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang trồng cây ăn quả, làm kinh tế trang trại khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, tiểm ẩn ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
Mô hình sản xuất nông lâm kết hợp dù đang góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân miền núi nhưng cũng đã bộc lộ những bất cập cần khắc phục. Việc sớm có quy hoạch phát triển kinh tế trang trại nông lâm kết hợp để đảm bảo phát triển bền vững và tương xứng với tiềm năng, lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp như Hà Tĩnh là rất cần thiết.
Theo Trọng Tin/baohatinh.vn