Mỗi hộ một sản phẩm thế mạnh - Cách làm hay của Chi hội nghề ngh
- Thứ sáu - 24/08/2018 05:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Làng nghề đóng thuyền thôn Bến Đền có truyền thống từ hàng trăm năm nay. Hiện, trong thôn có 100 hộ chuyên nghề đóng tàu thuyền và sản xuất mộc dân dụng. Mặc dù có truyền thống từ lâu đời nhưng việc liên kết, hợp tác sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển làng nghề vẫn đang còn rất nhiều hạn chế. Sản phẩm thuyền, đồ mộc dân dụng Bến Đền chưa vươn xa, thiếu ổn định. Để tháo gỡ điểm “nghẽn” này, tháng 10/2017, thôn Bến Đền đã thành lập chi hội nghề nghiệp SX-KD mộc, đóng thuyền với 55 hội viên tham gia. Đây là hội nghề nghiệp có cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
“Sau khi ra mắt, Chi hội Nghề nghiệp thôn Bến Đền đã ổn định tổ chức và phân chia thành 3 tổ hội: Tổ hội đóng thuyền, tổ hội làm mộc, tổ hội làm dịch vụ buôn bán. Từ chính sách hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh cho vay 1 tỷ đồng, chi hội đã hỗ trợ 10 hội viên đang gặp khó khăn vay vốn, tạo thêm động lực để yên tâm sản xuất, xây dựng niềm tin đối với phong trào” – Chi hội trưởng Lê Hữu Nam cho biết.
Cùng với hỗ trợ, “bảo lãnh” cho hội viên vay vốn, chi hội đã tham mưu, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức quản lý, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vệ sinh môi trường sản xuất, kỹ năng tiếp thị và xây dựng thương hiệu sản phẩm... Bên cạnh sản phẩm truyền thống như: Thuyền gỗ, giường, tủ, bàn ghế, cửa các loại, nhiều hội viên chi hội đã du nhập, phát triển các sản phẩm mới như: Gỗ mỹ nghệ, tượng, hoành phi, đồ thờ...
“Các tổ hội đã đẩy mạnh chuyên môn hóa, phối hợp liên kết trong sản xuất, phân công lao động. Mỗi hộ chỉ sản xuất một sản phẩm thế mạnh, thậm chí là một bộ phận trong thành phẩm, tạo điều kiện cho các xưởng có thể tập trung đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất một khâu, hoặc một sản phẩm nhất định thay vì phải đầu tư dàn trải. Việc chuyên môn hóa vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo sự chuyên nghiệp trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động” – ông Lê Hữu Nam cho hay.
Với chủ trương phù hợp, đúng đắn, vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh phù hợp đã tạo được động lực và sự đồng thuận của nhân dân, phát huy được thế mạnh trong lĩnh vực SX-KD. Quy mô và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, việc làm của hội viên ổn định và phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của hội viên là 45 triệu đồng người/năm.
Mong muốn của hội viên Chi hội nghề nghiệp thôn Bến Đền là tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của huyện, tỉnh trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu làng nghề.
Bà Nguyễn Thị Nhuần – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Chi hội nghề nghiệp thôn Bến Đền là 1 trong 13 chi hội nghề nghiệp trong toàn tỉnh được chỉ đạo thí điểm và đạt được những hiệu quả bước đầu. Việc thành lập chi hội nghề nghiệp nhằm đoàn kết, tập hợp hội viên SX-KD cùng một lĩnh vực, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng năng suất, hiệu quả và giá trị thu nhập.
Theo Bá Tân/baohatinh.vn