Năm lần bảy lượt phun thuốc trừ sâu, lúa VTNA2 vẫn không cho thu hoạch
- Thứ hai - 14/05/2018 22:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gieo lúa VTNA2 giờ gặt rơm ở Thiên Cầm (Cẩm Xuyên)
Đáng lẽ, vào thời điểm này cánh đồng lúa VTNA2 của gia đình bà Lê Thị Sâm (Tổ dân phố Nhân Hòa, thị trấn Thiên Cẩm, Cẩm Xuyên) đã cúi bông, chuẩn bị vào kỳ thu hoạch. Ngược lại, bà con đang chua xót khi cây lúa cụt ngũn, vàng úa không thể trổ bông.
Bà Sâm cho hay: “Hai lần phun thuốc trừ đạo ôn, một lần phun trừ đốm nâu và hai lần dùng chế phẩm để bổ sung dinh dưỡng cho cây, thế mà lúa vẫn không trổ bông được. Thà rằng giống tự để, đằng này toàn bộ diện tích của tôi đều mua mới từ đầu vụ, mỗi kg giống 30.000 đồng của Tổng công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An”.
Lúa tàn lụi
Ở tổ dân phố này, nhiều người vì tiếc của, đau xót trước cảnh mất mùa vì giống VTNA2 mà lăn ra ốm. Gần như toàn bộ 24 ha sản xuất loại giống này đều mất từ 70% trở lên. Không thu hoạch thì không thể làm hè thu, thu hoạch về bà con còn phải mất tiền thuê gặt, rồi bao nhiêu tiền thuốc, tiền giống…
Đồng xác xơ
Ông Nguyễn Tông Bình - Bí thư Chi bộ cho biết: “Năm nay, giống lúa này chiếm đến 60% diện tích, thuộc chỉ tiêu giao từ đầu vụ của UBND xã. Trong khi các loại giống HT1, KD18 cũng bị sâu bệnh cùng thời điểm, sau xử lý đã phục hồi và sinh trưởng bình thường. Còn giống VTNA2 thì giỏi lắm cũng chỉ đạt khoảng 80 kg/sào, có nơi mất trắng”.
Toàn bộ số giống được mua mới của TDP Nhân Hòa đều được lấy một nguồn đại lý bà Châu (đại lý của Tổng công ty). Từ kế hoạch sản xuất của UBND xã, HTX dịch vụ sẽ đứng ra nhận giống theo đăng ký và chuyển về các Tổ trưởng TDP cung ứng cho người nông dân.
Trên cùng một đồng đất, cùng thời điểm bị sâu bệnh tấn công nhưng lúa HT1 đã phục hồi sinh trưởng khỏe
Trở lại cánh đồng thôn K130, Tiến Lộc (Can Lộc), đồng lúa VTNA2 vẫn một màu thiếu sức sống dù đã được nông dân ra sức cứu. Sự thoái hóa của giống đã đẩy bà con nông dân vào thế sản xuất bị động, không thể “quay đầu” khi mùa thu hoạch đã cận kề.
Ông Phan Danh Quế - Bí thư Chi bộ cho biết: “80 mẫu ruộng (chiếm 80% diện tích vụ xuân), bây giờ giỏi lắm chỉ cứu được 40%. Tính tiền thuốc BVTV, tiền phân thì chắc vụ này bà con lỗ với lúa VTNA2. Vụ hè thu, mặc dù vẫn được cơ cấu nhưng bà con không mấy ai sử dụng nữa”.
Bà con nông dân ngao ngán với cảnh mất mùa vì giống
Điều đáng nói, hệ thống sản xuất - cung ứng được “móc nối” từ TCT đến chính quyền địa phương “kín” đến mức người nông dân không có lựa chọn cả về kế hoạch sản xuất lẫn lựa chọn điểm mua giống ở thị trường. Đại lý về tận thôn, dù có “bứt” ra ngoài thì bà con cũng gặp khan hiếm hoặc giá cả!
Lật lại quá khứ, VTNA2 là giống có quá nhiều tai tiếng kể từ ngày có mặt ở Hà Tĩnh. Không dưới 2 lần gặp sự cố lúa không nảy mầm, doanh nghiệp chối bỏ do tập quán của người dân; liên kết mua lúa thương phẩm không đúng cam kết, DN đổ người dân thiếu chuyên nghiệp; bệnh dịch xảy ra... Vậy mất mùa do giống, DN cung ứng liệu chịu trách nhiệm liên quan?
Theo N.O/Bao Ha tinh.vn