Những vườn mướp đắng “hái bạc” của nông dân Cẩm Xuyên
- Thứ sáu - 20/04/2018 04:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đang là thời điểm chính vụ thu hoạch mướp đắng nên gia đình bà Lê Thị Châu (xóm 4, xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) lúc nào cũng tất bật. Bà Châu chia sẻ: “Gia đình tôi trồng mướp đắng đã hơn chục năm rồi. Trước đây trồng vài thước nhưng từ năm ngoái, gia đình đầu tư hệ thống giàn lưới và mở rộng diện tích”.
Hiện tại, cả khu vườn rộng hơn 1 sào của gia đình bà Châu được phủ xanh bởi cây mướp đắng. Từ đầu vụ đến nay, gia đình thu hoạch hơn 1,5 tấn mướp đắng, thu về số tiền hơn 20 triệu đồng.
Không riêng gia đình bà Châu, tại xã Cẩm Trung, trồng mướp đắng tại vườn là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của địa phương. Trong đó, hầu hết các hộ dân thực hiện đầu tư hệ thống giàn lưới và cọc bê tông để phát triển giống cây rau quả này.
Gia đình ông Võ Khắc Thuần (xóm 5, xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) có 2 sào mướp đắng, mỗi năm cho thu nhập gần 50 triệu đồng. Ông Thuần cho hay: “Năm nay tính ra được hơn 20 triệu rồi. Từ nay đến hết tháng 7, nếu mọi thứ thuận lợi thì sẽ có thu nhập khoảng chừng ấy nữa. Cây mướp đắng tàn thì chúng tôi chuyển sang trồng mướp ngọt. Trồng gối vụ như vậy là thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống của gia đình rồi”.
Không chỉ phát triển, mở rộng diện tích, nhiều hộ dân còn đầu tư hệ thống giàn tưới tự động. Xã Cẩm Trung hiện có hơn 1.700 hộ dân thì có 1.200 hộ trồng với tổng diện tích hơn 12 ha. Thời điểm đầu vụ giá lên tới 25.000 – 30.000đ/kg, nhưng hiện tại mướp đắng được thương lái thu mua tại vườn với giá 4.000 – 5.000đ/kg.
Không chỉ bán quả xanh làm thực phẩm, mướp đắng còn được thái mỏng, phơi khô để làm vị thuốc, nấu nước uống… Mướp đắng phơi khô bán giá cũng rất được giá
Ngoài cây mướp đắng, người dân Cẩm Trung còn xen canh các loại rau màu khác như: dưa chuột, bí, cà chua… Riêng diện tích dưa chuột toàn xã đạt hơn 5 ha. (trong ảnh: Gia đình ông Cao Văn Thanh ở xóm 4, trồng cà chua xen canh mướp đắng và các loại rau màu khác)
Trồng mướp đắng đang góp phần làm thay đổi kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ hiện đang bấp bênh, giá cả phụ thuộc vào thương lái nên người dân mong tìm được doanh nghiệp liên kết thu mua sản phẩm để họ có thể phát triển hơn nữa diện tích trồng mướp đắng.