Nơi chủ trương của Đảng khó về với người dân: Hà Tĩnh sáng tạo tìm cách "gỡ"
- Thứ năm - 25/10/2018 21:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tầng nấc từ chi bộ Đảng đến dân
“4 thôn chỉ có 1 chi bộ nên rất khó trong lãnh đạo, chỉ đạo; địa bàn rộng, dân số đông, có nơi đi sinh hoạt chi bộ phải hơn 1 km” - ông Nguyễn Nam Biểu, Bí thư chi bộ Đại Thành, xã Gia Hanh (Can Lộc) mở đầu bằng những trăn trở khi trò chuyện với chúng tôi.
Ông Biểu kể: “Chi bộ Đại Thành thành lập từ thời kỳ xây dựng HTX. Khoảng đầu năm 90 của thế kỷ XX lại nay, chi bộ Đại Thành được hình thành trên cơ sở đảng viên của 4 thôn: Ngọc Lâm, Kim Sơn, Hồng Tiên, Trung Ngọc. Hiện tại, 4 thôn có 3.226 nhân khẩu nhưng có 22 đảng viên, đa số người già yếu; trong 2 năm qua không phát triển được đảng viên nào. Thôn Trung Ngọc nhiều năm không có đảng viên”.
Bằng những suy tư rất thật về chi bộ Đảng, ông nói: “Chúng tôi nhiều lần tính toán để tách chi bộ nhưng không thực hiện được, vì nếu tách, có thôn như Ngọc Lâm sẽ có 10 đảng viên nhưng thôn khác sẽ không thể có chi bộ nên phải để năm này qua năm khác”.
Ngay cả khi giới thiệu cặn kẽ về đường làng, nhà văn hóa khang trang, ông Biểu cũng không quên “kể”: “Việc triển khai chủ trương, nhất là xây dựng nông thôn mới từ chi bộ đến người dân không dễ tý nào. Muốn phổ biến chủ trương của chi bộ buộc phải họp mở rộng cán bộ 4 thôn. Nhiều lần, sau họp chi bộ, 4 thôn tổ chức họp, có thôn phải dựa vào cán bộ không là đảng viên.
Trưởng thôn Trung Ngọc cũng từng nói: So với 3 thôn còn lại, việc vận động người dân ở thôn ông khó khăn hơn nhiều vì không có đảng viên. "Để nâng tầm ảnh hưởng của chi bộ, chúng tôi thường chọn địa điểm sinh hoạt luân phiên, tháng này thôn này, tháng sau thôn khác. Ngoài ra, chúng tôi thường thông qua loa truyền thanh và đội ngũ cán bộ 4 thôn để tuyên truyền chủ trương tới người dân”. Được biết, nhiều năm qua, cấp ủy xã cũng đã phân công cán bộ, công chức về tận thôn vận động, tuyên truyền nhằm thông tư tưởng người dân.
Chi bộ Đại Thành tựa như 15 chi bộ khác trên toàn tỉnh Hà Tĩnh, trong tình trạng sinh hoạt ghép. Việc đưa chủ trương về với người dân nơi này, nhất là những nhiệm vụ sát sườn như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh khó khăn hơn các địa phương khác nhiều, hoặc là qua nhiều cuộc họp (họp chi bộ, họp mở rộng cán bộ các thôn, rồi họp từng thôn), hoặc thông qua loa truyền thanh của từng thôn.
Tại TX Kỳ Anh, hiện tại, tổ dân phố (TDP) Tây Yên và Yên Thịnh (phường Kỳ Thịnh) không có đảng viên nào; thôn Hải Hà (xã Kỳ Hà) không thành lập được chi bộ do chỉ có 1 đảng viên và đã nghỉ danh dự. Theo ông Lương Văn Định - Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Thịnh: “Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh, thị xã về với TDP Yên Thịnh và Tây Yên thông qua các kênh truyền thông hầu như không mang lại hiệu quả. Cách duy nhất là tuyên truyền, gặp gỡ trực tiếp. Tuy nhiên, do không có đảng viên, không có chi bộ nên việc vận động theo hình thức này gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu để người dân noi theo”.
Ngay tại tổ dân phố 10, thị trấn Nghèn (Can Lộc), theo ông Bùi Văn Sơn – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Can Lộc: “Khoảng 20 năm nay không có một đảng viên nào, vì đây là vùng giáo. Mặc dù chủ trương xây dựng đô thị, tổ dân phố đã huy động được sức dân nhưng những vụ việc như sự cố môi trường biển, dự luật đặc khu kinh tế và an ninh mạng... đã xuất hiện tình trạng người dân nói ngược với chủ trương, trong khi không có đảng viên để tuyên truyền”.
Hai giải pháp căn bản
Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) là địa bàn có nhiều người dân theo đạo Công giáo, với 1 giáo xứ, 4 giáo họ. Năm 2008, xã có 15 xóm, trong đó 6 xóm có đồng bào Công giáo, riêng xóm 12 không có đảng viên. Năm 2010, Cẩm Phúc xác định phải sáp nhập thôn xóm để mở rộng quy mô, đồng thời kiện toàn các chi bộ. Theo đó, thôn 12 nhập với thôn 13 thành thôn 6. Chi bộ thôn 6 được thành lập với 5 đảng viên (3 đảng viên gốc giáo).
Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Phúc Nguyễn Văn Huống cho hay: “Từ 15 xóm, nay xã chỉ còn 7 thôn. Các xóm có giáo như 9, 11, 12, 13, 14, 15 đã được sáp nhập nên không còn trắng đảng viên. Xóm 9 trước đây có đảng viên xin ra khỏi Đảng, nếu không sáp nhập chắc chắn sẽ mất chi bộ. Năm 2010, xóm 9 sáp nhập với xóm 8 thành thôn 4. Chi bộ 4 nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu, riêng bí thư chi bộ là điển hình tiên tiến học tập và làm theo gương Bác, được tỉnh tuyên dương năm 2014”.
Ông Huống còn cho biết: “Ngoài sáp nhập thôn, tại những nơi khó khăn, chúng tôi phân công cán bộ xã về làm bí thư chi bộ, cũng là để rèn luyện cán bộ. Tại chi bộ 7, cấp ủy cử Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Đức về làm bí thư chi bộ vào đầu năm 2018. Năm 2012, tại chi bộ 6, chúng tôi cũng cử 1 cán bộ xã xuống tham gia ban chấp hành để nâng cao năng lực chi bộ, nâng tổng số đảng viên chi bộ lên 5 người”.
Ông Hoàng Kim Báu – Bí thư Chi bộ 4, xã Cẩm Phúc phấn khởi: “Chi bộ hiện có 18 đảng viên; thôn có 1.050 khẩu, trong đó có 185 khẩu là người không theo đạo. Tuy vậy, nơi đây, như tại vùng Thịnh Đức cũ (tức xóm 9 – P.V), người dân theo đạo rất tin tưởng vào Đảng. Họ nói, không có đảng thì không thể có cuộc sống hôm nay, nhất là việc làm đê Long Phúc Nhượng, giúp người dân làm 2 vụ mùa, nuôi tôm cua; các chính sách cho người già… Hiện có một quần chúng theo đạo đang phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhờ số lượng đảng viên đông, lương – giáo đoàn kết nên mọi việc chung của thôn triển khai rất thuận lợi”.
Kết quả xóa xóm "trắng", chi bộ sinh hoạt ghép không chỉ riêng Cẩm Phúc mà còn ở nhiều xã thuộc huyện Cẩm Xuyên những năm 2010 - 2012 như: Cẩm Lộc, Cẩm Quang... Theo Phó Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Hà Văn Bình, huyện đã có chủ trương rất sớm với vấn đề này: “Từ năm 2008, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/HU về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và tăng cường công tác phát triển đảng viên trong tình hình mới, trong đó tập trung là vùng khó khăn, vùng đồng bào có đạo. Đến năm 2011, huyện tiếp tục ban hành kế hoạch phát triển đảng viên ở các thôn xóm chưa có đảng viên và những chi bộ sinh hoạt ghép; đồng thời ra Thông báo số 216-TB/HU về khảo sát chất lượng đảng viên, hội viên để củng cố sức mạnh cho tổ chức chi bộ.
Khi đó, huyện triển khai đồng bộ chủ trương sáp nhập xóm, nhất là với những xóm "trắng" đảng viên; đồng thời, chỉ đạo điều động cán bộ xã về các chi bộ khó khăn để nâng cao năng lực lãnh đạo. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện không còn xóm "trắng" đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép”.
Tương tự Cẩm Xuyên, nhiều địa phương đã luân chuyển cán bộ xã về tăng cường những chi bộ ít đảng viên. Vùng Đông Yên (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) có 4 thôn nhưng mỗi thôn lại không đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ nên phải sinh hoạt ghép. Xã cũng đã chuyển 6 đảng viên công chức về sinh hoạt tại chi bộ này.
Tại xã Thạch Lạc (Thạch Hà), trước tình huống chi bộ thôn Bắc Lạc biểu hiện sa sút về lãnh đạo, chỉ đạo - thôn có hơn 1.700 người theo đạo - cấp ủy đã “tăng cường” 6 cán bộ, công chức xã về sinh hoạt tại đây, trong đó 3 đồng chí hộ khẩu thường trú ở xã khác là kế toán, công chức văn hóa - chính sách, địa chính. Hiện nay, chi bộ đã có 11 đảng viên; sinh hoạt đều đặn, phát huy cao hiệu quả, nhất là tinh thần gương mẫu của đảng viên là cán bộ, công chức trong những ngày cuối tuần xây dựng nông thôn mới, qua đó thúc đẩy phong trào đi lên.
Những khó khăn trong chuyển tải chủ trương của Đảng về với người dân, đòi hỏi các tổ chức phải trăn trở tìm giải pháp. Từ những linh hoạt đó, năm 2010 đến nay, theo số liệu từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, toàn tỉnh đã xóa được 14 xóm chưa có đảng viên, giảm 16 chi bộ sinh hoạt ghép. Toàn tỉnh hiện còn 8 thôn chưa có đảng viên, 15 chi bộ sinh hoạt ghép; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ đảng ở xã, phường, thị trấn được nâng cao, phát huy hiệu quả.
Theo Mạnh Hà - Phúc Quang/baohatinh.vn