Nuôi lợn nít cung cấp dịch vụ mâm cỗ, mỗi năm thu vài trăm triệu
- Chủ nhật - 21/10/2018 19:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nuôi theo hình thức bán hoang dã vừa giúp thịt lợn săn chắc, vừa tránh được dịch bệnh cho đàn lợn
Là Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) dịch vụ gia đình của Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Cẩm Xuyên, chị Đặng Thị Thu không chỉ được biết đến với tài năng nấu nướng mà còn là tấm gương sáng tạo, nhanh nhạy trong phát triển kinh tế gia đình.
Thông qua việc nhận nấu mâm cỗ cưới hỏi cho các gia đình, chị Đặng Thị Thu đã nhận thấy nhu cầu mua lợn nít rất cao. Nếu nuôi lợn, chị còn tận dụng được thức ăn thừa từ việc làm dịch vụ mâm cỗ. Năm 2010, chị bàn với chồng mượn vườn của mẹ để xây dựng chuồng trại, nuôi lợn nít “tự cấp” cho nhu cầu của THT.
Chị Thu cho biết: “Tôi quyết định nuôi lợn nít vì lúc bấy giờ trên địa bàn, lợn nít còn hiếm và giá khá cao. Hơn nữa, lợn nít hầu như nằm ngoài những mối nguy về dịch bệnh hay biến động giá cả. Ban đầu, tôi ra Bắc kiếm giống rồi nuôi lợn nái tự phát triển đàn. Thời điểm cao nhất, chuồng có khoảng 150 con, với giá lợn hơi cao gấp 3 lần lợn thường (khoảng 130 – 150 nghìn/kg lợn hơi) và đầu ra ổn định, mỗi năm lãi ròng vài ba trăm triệu. Không những thế, tôi còn tạo việc làm cho 5 - 10 hội viên trong chi hội phụ nữ”.
Lợn nít thịt săn, thơm, ngọt, lại chế biến được nhiều món nên được thị trường ưa chuộng.
Lợn nít của gia đình chị Đặng Thị Thu còn được thị trường ưa chuộng bởi chị nuôi theo hình thức bán hoang dã trong vườn. Để chăm sóc đàn lợn, ngoài tận dụng thức ăn thừa, chị Thu trồng thêm 0,5 ha các loại cây như sắn, chuối, mật gấu, cỏ voi… để làm thức ăn cho lợn. Đây là những loại thức ăn vừa giúp phòng chống bệnh, vừa tạo độ thơm ngon cho thịt lợn.
Tuy lợn nít ít dịch bệnh hơn lợn thường nhưng để phòng tránh, chị Thu còn xây chuồng để nhốt lợn vào ban đêm. Dãy chuồng được chị ngăn chia phù hợp với từng lứa. Nhờ được chăm sóc tốt nên mỗi năm, lợn nái đẻ đều 2-3 lứa. Và, như chị chia sẻ, suốt 8 năm nuôi lợn, đến nay chưa có lứa nào bị thua lỗ.
Để tạo thức ăn tự nhiên cho đàn lợn, chị Thu trồng thêm 0,5 ha sắn, chuối, cỏ voi, mật gấu...
Chị Nguyễn Thị Ái Nhân – Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cẩm Xuyên cho biết: “Mô hình THT dịch vụ gia đình do Hội LHPN thị trấn Cẩm Xuyên xây dựng và quản lý đã tạo việc làm thường xuyên cho một số hội viên với thu nhập khá. Với vai trò là tổ trưởng, chị Thu là tấm gương về sự năng động, hăng say lao động, sản xuất để các hội viên khác học tập”.
Ngoài cung cấp lợn cho THT làm mâm cỗ, chị Thu còn hướng tới các nhà hàng và thị trường tết. Hiện nay, trại của chị có 50 con, có thể xuất bán dần từ nay đến Tết Nguyên đán.
Theo Phong Linh - Kiều Minh/Bao Ha Tinh.vn