Tín dụng chính sách xã hội: Kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng!
- Thứ năm - 28/09/2017 18:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dư nợ tăng 17 lần, nợ xấu chỉ còn 0,11%
Từ 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm khi mới thành lập, đến nay, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh đã triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng. Doanh số cho vay trong 15 năm đạt 10.365 tỷ đồng với hơn 425 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; tổng dư nợ đến 31/8/2017 đạt 4.046 tỷ đồng, tăng 3.812 tỷ đồng so với khi mới thành lập (tăng 17,3 lần), với hơn 154 ngàn khách hàng; dư nợ bình quân 1 hộ tăng từ 2,9 triệu đồng (2003) lên 26,2 triệu đồng (2017); dư nợ bình quân 1 xã tăng từ 0,8 tỷ đồng (2002) lên 15,4 tỷ đồng (2017).
Cán bộ Ngân hàng CSXH kiểm tra hiệu quả mô hình kinh tế được đầu tư từ nguồn vốn vay của chị Nguyễn Thị Hường (xã Phù Việt - Thạch Hà).
Cùng với việc quyết liệt xử lý nợ xấu bàn giao từ Ngân hàng Người nghèo ở thời điểm đầu mới thành lập, Ngân hàng CSXH tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Hoạt động phối hợp lồng ghép tín dụng chính sách với công tác tuyên truyền, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn cách thức sử dụng vốn được quan tâm, song song với việc chú trọng xử lý các khoản nợ bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, rủi ro bất khả kháng, nợ nhận bàn giao không có khả năng thu hồi, tạo điều kiện cho người vay khắc phục thiệt hại, tiếp tục vay vốn khôi phục sản xuất, vươn lên cải thiện cuộc sống.
Đến ngày 31/8/2017, nợ xấu chỉ còn 4,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,11% trên tổng dư nợ, giảm 4,32%; trong đó, nợ quá hạn là 2,3 tỷ đồng, tỷ lệ 0,057%, giảm 3,44% (so với 2002). Toàn tỉnh có 163/262 xã không có nợ quá hạn (tỷ lệ 62,2% số xã toàn tỉnh).
Các chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, góp phần tạo việc làm cho gần 113 ngàn lao động; tiếp sức cho gần 102 ngàn hộ thoát ngưỡng đói nghèo, trên 41 ngàn hộ cải thiện đời sống; 5.519 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trên 125 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 155 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng, sửa chữa trên 10 ngàn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 800 ngôi nhà cho hộ nghèo tránh lũ...
Vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần thực hiện phong trào xây dựng NTM; hạn chế nạn cho vay nặng lãi tồn tại ở nông thôn.
Công đoàn Ngân hàng CSXH Việt Nam trao quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách ở xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh).
Mô hình quản lý được hoàn thiện vững chắc
Bên cạnh đội ngũ cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh không ngừng được tăng cường về số lượng, chất lượng và có sự trưởng thành từ thực tiễn, hoạt động ở hội sở tỉnh và 12 phòng giao dịch huyện, thị, mô hình quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi tiếp tục có sự chỉ đạo, giám sát của ban đại diện hội đồng quản trị các cấp với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, huyện, các sở, ngành và chủ tịch UBND các xã.
Phương thức tín dụng ủy thác thông qua 4 hội đoàn thể (hội LHPN, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên) ngày càng khẳng định hiệu quả với 13 chương trình ủy thác trên tổng số 14 chương trình tín dụng ưu đãi, với dư nợ ủy thác 4.036 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ. Thông qua thực hiện phương thức ủy thác, vốn cho vay được bình xét công khai, dân chủ từ các tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn thôn, xóm, có sự giám sát của ban cán sự thôn, hội đoàn thể cấp xã, xác nhận của UBND cấp xã nên được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng.
Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay, đã có 262 chủ tịch UBND cấp xã tham gia thành viên ban đại diện hội đồng quản trị cấp huyện (tỷ lệ 100%), Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh là thành viên Ban Giảm nghèo tỉnh, 12/12 giám đốc ngân hàng CSXH cấp huyện là thành viên ban giảm nghèo cấp huyện.
Quyết tâm chặng đường mới
Bài học được đúc rút sau 15 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cũng chính là những định hướng cho chặng đường phát triển mới. Đó là tranh thủ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội hướng về mục tiêu quốc gia giảm nghèo, công khai, minh bạch cơ chế, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ban đại diện hội đồng quản trị, các hội đoàn thể ủy thác, kiểm tra nội bộ; làm tốt công tác quản trị, điều hành đối với cơ sở theo phương châm “kiên quyết, tập trung, dân chủ, kỷ luật và hiệu quả”...
Trên cơ sở đó, giai đoạn phát triển mới, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng của Nhà nước, đồng thời, triển khai các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo Lưu Văn Minh/baohatinh.vn