Tổ tự quản kết nối người dân tham gia giữ rừng
- Chủ nhật - 03/06/2018 19:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tổ tự quản BVR - PCCCR thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ cùng cán bộ Trạm BVR Lễ - Tiến tổ chức tuần tra rừng trong những ngày nhiệt độ cao.
Ông Nguyễn Hữu An - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Sông Ngàn Phố đưa chúng tôi đến trang trại gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ trong một ngày nắng nóng. Phóng tầm mắt ra xung quanh, ngút ngàn rừng trồng xen lẫn rừng tự nhiên tái sinh xanh tăm tắp giúp làm dịu đi cái nắng... Ông An cho biết, những năm gần đây, rừng sinh trưởng và phát triển tốt nhờ có sự liên kết tham gia bảo vệ hiệu quả của các hộ dân trên địa bàn...
Làm đường ranh cản lửa giữa các hộ.
Đến 18h, ông Hồng mới về đến trại. Biết ý định của chúng tôi, ông Hồng cười: “Các anh gặp may đó. Bình thường, trời nắng nóng thế này phải tắt mặt trời tôi mới rời nơi trực lửa. Không lơ là được đâu!”. “Nhiệm vụ của chúng tôi - các hộ nhận khoán bảo vệ rừng trong thời điểm nhiệt độ cao là liên kết lại với nhau thành nhóm, thành tổ..., thay nhau trực tại các chòi canh, các cửa rừng, lối mòn dẫn vào rừng, vào trại để không cho người mang lửa vào rừng bắt ong, đốt dọn thực bì...; kịp thời phát hiện ngay điểm phát khói, phát lửa. Từ đó, tổ chức dập lửa ngay, tránh để lan rộng và thông báo cho các lực lượng BVR - PCCCR của chủ rừng, của huyện, xã, kiểm lâm đến hỗ trợ dập lửa...” - ông Hồng cho biết thêm.
Trạm BVR số 1, BQL RPH Sông Ngàn Phố phát dọn thực bì trên diện tích rừng thông dễ cháy.
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng thôn Khe Cò (xã Sơn Lễ), nói: Toàn thôn có hàng chục tổ tự quản BVR, với trên trăm người bảo vệ gần 230 ha rừng. Trước mùa nắng nóng, thôn đều được chủ rừng, kiểm lâm, chính quyền xã phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nâng cao nhận thức BVR; ký cam kết thực hiện BVR - PCCCR. Từ đó, các hộ nhận khoán kiện toàn tổ tự quản BVR - PCCCR; làm đường ranh cản lửa giữa phần rừng giáp ranh các hộ; phát dọn thực bì, vật liệu dễ cháy...
“Chúng tôi phân công nhau trực rất nghiêm túc, nhất là khi cấp báo cháy rừng cao; có phương án BVR - PCCCR phù hợp với tình hình thực tế của thôn, trang bị dụng cụ PCCCR, sổ theo dõi trực... Rừng giờ đây là tài sản của từng hộ gia đình nên chúng tôi luôn ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ...” - ông Tuấn chia sẻ.
Không chỉ thôn Khe Cò, những năm gần đây, trên địa bàn Hương Sơn đều tổ chức mô hình tổ tự quản BVR - PCCCR tại các thôn và bước đầu đã tỏ rõ được tính kịp thời, hiệu quả. Thôn Thiên Nhẫn, thôn Rú Vạc (xã Sơn Tiến); thôn Khe Cò (Sơn Lễ); thôn Liên Hoàn (Sơn Thủy)... là những thôn tiêu biểu cho mô hình tổ tự quản BVR - PCCCR.
BQL RPH Sông Ngàn Phố, chủ rừng lớn trên địa bàn chuẩn bị dụng cụ, máy móc, phương tiện PCCCR về cho các trạm BVR và các xã thuộc lâm phần mình quản lý để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xẩy ra.
Theo UBND huyện Hương Sơn, ngoài 40 tổ xung kích trong công tác BVR - PCCCR, với gần 800 thành viên tại các xã; 30 tổ trực cháy, với trên 200 thành viên, toàn huyện có gần 100 tổ tự quản tại các thôn, với gần 1.600 hộ thành viên. “Các tổ tự quản BVR - PCCCR tại các thôn ngày càng linh hoạt, chủ động, nêu cao trách nhiệm, tích cực tham gia chữa cháy rừng...” - anh Nguyễn Văn Phi, cán bộ Trạm BVR Lễ - Tiến, thuộc BQL RPH Sông Ngàn Phố, cho hay.
Với mô hình tổ tự quản BVR - PCCCR từ các hộ gia đình đã giúp cho số vụ cháy rừng trên địa bàn Hương Sơn giảm sâu qua từng năm. Năm 2017, trên địa bàn huyện chỉ để xẩy ra 1 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 0,9 ha rừng.
Nếu khắc phục được những khó khăn, như: kinh phí cho cán bộ thôn hoạt động; trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy... thì mô hình tổ tự quản trong BVR - PCCC ở Hương Sơn sẽ còn phát huy hiệu quả hơn nữa và là mô hình đáng được nhân rộng trong toàn tỉnh.
Theo Trọng Tuệ/Bao Ha Tinh.vn