Vườn đồi Ngọc Sơn bạt ngàn cây ăn quả
- Thứ năm - 09/08/2018 18:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xã Ngọc Sơn có gần hơn 650 ha đất đồi núi (chiếm hơn 1/3 diện tích đất tự nhiên), là điều kiện thuận lợi để xã phát triển cây ăn quả. Xác định lợi thế, chính quyền xã Ngọc Sơn đã khuyến khích người dân xóa bỏ vườn tạp, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, cây cam chanh được nhiều nông hộ lựa chọn là sản phẩm chủ lực. Hiện, xã đã phát triển gần 100ha cam, trở thành nguồn thu nhập chính, cải thiện đáng kể đời sống của nhiều người dân địa phương.
Gia đình chị Thái Thị Hường (thôn Trung Tâm) là một trong những hộ dân đi tiên phong trong phong trào cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả. Sau nhiều năm quẩn quanh với cái nghèo, năm 2015, chị Hường mạnh dạn khai hoang, mở rộng diện tích trồng cam. Nhờ sự cần cù, chịu khó, mảnh đất đầy cỏ dại nay đã thành vườn cam sai trĩu quả.
“Năm đầu, gần 400 cây cam đã cho quả bói, chất lượng quả tốt. Thời điểm này, vườn cam cho quả đồng loạt, ước đạt khoảng 8 - 9 tấn quả, sẽ là nguồn thu đáng kể của gia đình” - chị Hường phấn khởi.
Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ kinh phí của Sở NN&PTNT, xã Ngọc Sơn xây dựng mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” trên diện tích 10 ha với 7 hộ tham gia. Đây được xem là hướng phát triển bền vững, giúp các hộ trồng cam nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tham gia VietGAP, gia đình ông Nguyễn Công Phụ (thôn Khe Giao 2) có hơn 800 gốc cam, bưởi cùng nhiều loại cây ăn quả khác. Nhờ tiên phong áp dụng kỹ thuật thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn cam của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng.
“Khu vực pha thuốc, thùng chứa vỏ chai, hố xử lý rác thải… đã được tôi đầu tư xây dựng hợp lý, vừa bảo vệ được sức khỏe gia đình vừa để khách hàng yên tâm khi mua sản phẩm” - ông Phụ chia sẻ.
Theo ông Phụ, từ khi áp dụng kỹ thuật này, năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm cam tăng cao so với mọi năm, được thị trường ưa chuộng. Năm 2017, chỉ riêng cây cam đã cho thu hoạch gần 25 tấn, mang lại niềm phấn khởi để gia đình ông tiếp tục phát triển mô hình và phổ biến kỹ thuật cho các gia đình khác.
Được biết, đối với cây cam, hiện xã Ngọc Sơn đang có chính sách ưu tiên, tập trung phát triển có quy hoạch. Theo đó, mỗi hộ dân trồng mới trên 50 cây cam/vườn sẽ được hỗ trợ 10.000 đồng/cây giống và hướng dẫn kỹ thuật để phát triển cây cam bền vững.
Bên cạnh cây cam, cây thanh long ruột đỏ cũng đang dần “vươn mình”, trở thành giống cây chủ lực của xã. Từ tháng 6/2014, cây thanh long đã được đưa vào trồng thử nghiệm, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện, toàn xã Ngọc Sơn đã có gần 6.500 gốc thanh long trên diện tích gần 6ha, trong đó hơn 4.500 gốc đang cho thu hoạch.
Anh Lê Đăng Hưng - HTX Hưng Thịnh, cho biết: “Thời gian tới, tôi và các hộ dân sẽ phối hợp cùng xã đề xuất phát triển trển cây thanh long ruột đỏ theo hướng thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm”.
Cùng đó, người dân cũng đã tích cực phát triển thêm các loại cây như bưởi Phúc Trạch, nhãn, vải thiều, hồng vuông… đa dạng các loại cây ăn quả phù hợp với thổ những tại địa phương nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu thị trường biến động.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Quân cho biết: “Việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở đất vườn, đồi đã mang lại kết quả khả quan. Thời gian tới, xã sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ đối với các hộ phát triển kinh tế vườn, đồi. Tích cực phối hợp để tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm; phát triển có định hướng các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện của xã”.