Dành 8 nghìn tỷ đồng tín dụng ưu đãi thu mua tạm trữ gạo
- Thứ bảy - 15/03/2014 10:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định Ngân hàng Nhà nước cam kết dành khoảng 8 nghìn tỷ đồng tín dụng ưu đãi để thu mua tạm trữ gạo; áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 7% cùng các thủ tục thuận lợi nhằm triển khai thí điểm để khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nuôi trồng chế biến thủy hải sản và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị các bộ, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các chương trình thí điểm cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, ngay trong tuần tới sẽ áp dụng một mặt bằng lãi suất mới, đưa trần lãi suất xuống còn 6%, như vậy kiềm chế lạm phát trong cả năm phấn đấu xung quanh mức 6%.
Cũng tại Hội nghị, ý kiến của lãnh đạo nhiều bộ, ngành tập trung phân tích các yếu tố khách quan và chủ quan cũng như khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo, nhất là thị trường gạo thế giới đang diễn biến khó lường trước thông tin Thái Lan có chủ trương giải phóng lượng gạo tồn kho lên tới 20 triệu tấn, đồng thời đề xuất các biện pháp trước mắt cũng như lâu dài liên quan đến hỗ trợ tín dụng trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.
Nhiều ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương đã nêu vấn đề việc mua tạm trữ để ổn định thị trường, giúp người nông dân có mức lãi hợp lý là cần thiết.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án mua tạm trữ 1 triệu tấn lương thực.
Liên quan đến vấn đề tín dụng mua tạm trữ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định NHNN đảm bảo sẵn sàng và đầy đủ nguồn vốn tín dụng để cho vay thu mua mua tạm trữ gạo vụ Đông Xuân (dự kiến khoảng 8 nghìn tỷ đồng). Lãi suất cho vay mua tạm trữ thấp hơn mức lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn khoảng 0,5%/năm đối với những khoản nợ khách hàng trả nợ đúng hạn.
Để chương trình đạt hiệu quả cao, NHNN đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam rà soát và lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và hệ thống kho chứa để thực hiện mua tạm trữ.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng đã nêu các nội dung cụ thể liên quan đến chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp (như về đối tượng cho vay, tài sản thế chấp, điều kiện cho vay, mức cho vay, lãi suất và thời hạn cho vay).
Nguyễn Hoàng - Nhật Bắc
Theo chinhphu.vn