Ngư dân có dễ dàng tiếp cận vốn vay đóng tàu?

Ngư dân có dễ dàng tiếp cận vốn vay đóng tàu?
Các quy định vay và cho vay dù đơn giản nhưng vẫn phải đảm bảo được sự an toàn về nguồn vốn cho vay.
Dù được hỗ trợ lãi suất vay vốn tới 4-6% trong suốt 11 năm, việc các chủ tàu có thể vay được vốn ngân hàng theo chính sách phát triển thủy sản tại Nghị định 67 của Chính phủ là không hoàn toàn dễ dàng.
 
Đủ hướng dẫn
Nghị định (NĐ) 67/2014 của Chính phủ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay (25/8), đang được dư luận và đông đảo các doanh nghiệp (DN) cũng như chủ tàu khai thác thủy sản đặc biệt quan tâm, bởi chính sách hỗ trợ lãi vay ngân hàng (NH) ưu ái chưa từng thấy (4-6%/năm, thời gian hỗ trợ kéo dài trong suốt 11 năm).
Các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước nắm cổ phần chi phối tiếp tục hâm nóng sự kỳ vọng của cộng đồng các DN, chủ tàu khai thác thủy sản khi theo công bố của Phó Thống đốc NHNN - ông Nguyễn Đồng Tiến - vào cuối tuần qua, dành tới 14.000 tỉ đồng cho vay theo chương trình này.
 
Các ngân hàng rất thận trọng với các chủ tàu cá. 
 
NHNN cũng tiết lộ trong tổng số vốn 14.000 tỉ đồng nói trên, Agribank đăng ký 5.000 tỉ đồng, BIDV cam kết 3.000 tỉ đồng, VietinBank dành 3.000 tỉ đồng, MHB dự kiến 2.000 tỉ đồng và 1.000 tỉ đồng đến từ Vietcombank.
Một diễn biến đáng chú ý vào trước thời điểm NĐ của Chính phủ có hiệu lực ít ngày, NHNN cũng vừa kịp hoàn tất và ban hành Thông tư 22 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chính sách tín dụng cho chương trình này.
Về cơ bản trong hướng dẫn, các quy định về điều kiện, đối tượng được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần, mức vay, lãi vay cũng như thời gian vay và phương thức xử lý khi xuất hiện rủi ro bám rất sát các quy định trong NĐ 67. Điều này phần nào cho thấy, các quy định của NĐ được nghiên cứu, soạn thảo hết sức kỹ lưỡng và chi tiết trước khi ban hành.
 
Không dễ vay
Song trên thực tế, các DN, chủ tàu có nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ sẽ không thể “một sớm một chiều” tiếp cận được ngay với nguồn vốn NH trên đây. Dù có hướng dẫn chi tiết của NHNN, các NHTM sẽ phải cần thêm thời gian cho việc xây dựng các quy định nội bộ hướng dẫn cho vay, theo đúng yêu cầu của NHNN tại điều 9 của Thông tư 22.
Các quy định này dù cần đơn giản, nhanh gọn nhưng quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo được sự an toàn về nguồn vốn cho vay như “gợi ý” của NHNN. Các điều kiện, hồ sơ, quy trình thẩm định cho vay vì thế sẽ không thể được nới lỏng một cách quá mức và thậm chí như một số nhận định, sẽ không khác nhiều so với cho vay thương mại thông thường. Gói cho vay hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực bất động sản vốn đang giải ngân khá ì ạch sẽ là một minh chứng điển hình.
Một điểm mấu chốt khác. Dù được Nhà nước cấp bù lãi suất với mức 4-6%/năm và các chủ tàu chỉ cần trả phần lãi suất 1-3% còn lại, các NH vẫn là địa chỉ cuối cùng chịu rủi ro về cho vay và thu hồi nợ. Điều này giải thích vì sao trong Thông tư 22, NHNN yêu cầu các NHTM chỉ cho vay đối với các chủ tàu có phương án vay vốn được thẩm định có hiệu quả và khả thi.
Việc chủ tàu có tên trong danh sách hoạt động nghề cá hiệu quả được UBND tỉnh phê duyệt vì thế cũng chỉ là một trong rất nhiều các điều kiện để chủ tàu có thể tiếp cận được vốn vay.
Trong hướng dẫn, NHNN thực tế cũng yêu cầu các NHTM khi tham gia chương trình cho vay này vẫn phải chịu áp lực trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định hiện hành, hay nói cách khác giống như cho vay thương mại thông thường. Và ngoại trừ một số nguyên nhân khách quan và bất khả năng, NHTM vẫn phải xử lý nợ theo quy định hiện hành trong trường hợp chủ tàu không trả được nợ gốc và lãi.
Đặt trong bối cảnh tỉ lệ nợ xấu của phần đông các NHTM đều tăng sau 6 tháng đầu năm do áp lực của việc áp dụng Thông tư 09 từ ngày 1/6 mới đây, cơ chế phân loại và xử lý nợ trên sẽ là một yếu tố khác thách thức và buộc các NHTM phải thận trọng khi quyết định cho vay đóng tàu./.
Theo Báo Lao động