Sẽ có bước đột phá tín dụng tam nông
- Thứ hai - 17/09/2018 09:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2018/2NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều đổi mới. Nghị định 116/2018/2NĐ-CP ra đời được đánh giá là sẽ tạo ra bước đột phá trong đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Trao đổi với phóng viên thời báo Ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết:
Nghị định 116 có thay đổi quan trọng về hạn mức cho vay. Cụ thể cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại không có tài sản bảo đảm sẽ được TCTD cho vay tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thay vì chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng như hiện hành. Đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn còn được vay tối đa 200 triệu đồng gấp đôi quy định 100 triệu đồng trước đây.
Việc nâng hạn mức này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Về chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC). Nghị định đã bổ sung quy định DN chưa được cấp giấy chứng nhận DN NNCNC nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vẫn được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa tới 70% giá trị của dự án, phương án.
Điểm mới nữa tại Nghị định 116 là đã hướng dẫn khoanh nợ và gắn trách nhiệm cụ thể đối với đơn vị có liên quan. Ngân sách địa phương sẽ chi trả số tiền lãi TCTD không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng. Chỉ những trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương.
Nghị định 116 sẽ khuyến khích DN đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao |
Nghị định 116 cũng đã bổ sung quy định về nội dung quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Căn cứ vào hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị giữa tổ chức đầu mối và tổ chức, cá nhân tham gia liên kết, TCTD ký thỏa thuận cho vay đối với tổ chức đầu mối và/hoặc bên liên kết và quản lý dòng tiền cho vay chuỗi liên kết theo nguyên tắc: Tổ chức đầu mối và bên liên kết mở tài khoản tại TCTD cho vay và cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị thông qua các tài khoản này. Với quy định trên tạo vòng quay khép kín vừa tạo điều kiện cho nông dân vay vốn thuận lợi kể cả không có tài sản bảo đảm cũng vay được vốn vừa giúp NH quản lý dòng tiền tốt hơn, hạn chế rủi ro tín dụng.
Một điểm mới nữa là chính sách cho vay tái canh cây trồng. Nghị định 116 có quy định không chỉ đối với cà phê mà tất cả cây công nghiệp lâu năm muốn tái canh đều được vận dụng theo quy định mới với cơ chế ưu đãi thời gian ân hạn, lãi suất phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm.
Theo ông, đâu là điểm nhấn chính sách trong Nghị định 116?
Những quy định DN không cần cấp giấy chứng nhận NNCNC, DN có phương án kinh doanh ứng dụng CNC hiệu quả không có tài sản bảo đảm vẫn được vay theo cơ chế của Nghị định 116 theo tôi là điểm nhấn chính sách quan trọng đối với cho vay NNNT. Chúng ta phải bỏ thủ tục hành chính việc cấp giấy hay không cấp giấy không quan trọng bằng DN đó hoạt động có hiệu quả hay không. Chúng ta phải đi vào thực tế, để xét xem dự án NNCNC đó có tạo ra sản phẩm tốt, giá thành hợp lý, tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu hay không. Nếu những dự án mà đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đó không có lý gì không cho vay thậm chí là phải cho vay ưu đãi để khuyến khích thúc đẩy họ phát triển.
Căn cứ chắc chắn để ngân hàng cho vay phải là phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ chứ không phụ thuộc là DN được cấp giấy chứng nhận hay không. Quy định trên vừa giúp ngân hàng không chịu sức ép trong cho vay vốn nhưng tăng trách nhiệm trong thẩm định dự án cho vay hiệu quả để hạn chế rủi ro tín dụng. Đây là bước đột phá chính phủ mạnh dạn và được các NH đồng thuận với mong muốn tạo điều kiện DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn, mạnh dạn đầu tư ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0 tạo sản phẩm nông nghiệp hiện đại.
Với những thay đổi chính sách trên, theo ông có tác động thể nào đối với nông nghiệp, nông thôn?
Tôi nghĩ rằng, những chính sách từ Nghị định 55 đã tốt rồi, giờ với thay đổi phù hợp thực tiễn hơn tăng khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn của người nông dân, DN nhất là đối với lĩnh vực NNCNC. NHNN tiếp tục chỉ đạo sát sao các NHTM tập trung đẩy mạnh vốn đáp ứng nhu cầu vay đối với lĩnh vực này.
Việc nâng hạn mức cho vay đối với người nông dân không có tài sản thế chấp lên gấp đôi so với quy định trước đây chắc chắn có tác động rất tích cực, nhất là hạn chế tín dụng đen. Rõ ràng khi người nông dân đáp ứng đủ vốn sản xuất kinh doanh trên chính mảnh ruộng của mình khi cần thiết sẽ không phải tìm tới tín dụng đen. Tất nhiên ở đây là hạn mức cho vay tối đa đối với khách hàng chứ không phải tất cả các đối tượng đều được vay tối đa là 100 triệu đồng hay 200 triệu đồng mà tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng trả nợ.
TS-LS. Bùi Quang Tín: Cân nhắc, phân loại chặt chẽ mức độ rủi ro Với những thay đổi trong Nghị định 116 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 55) chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy hơn việc triển khai chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Lâu nay, hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ... Một trong những nội dung được sửa đổi lần này là việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm như vậy sẽ phải đặc biệt cân nhắc, tính toán, cân đối tới khả năng trả nợ. Bởi bản chất nông nghiệp, nông thôn vốn là lĩnh vực cho vay rất rủi ro, vì phụ thuộc nhiều vào thiên tai, dịch bệnh... khó có thể lường trước. Rủi ro ở đây phải hiểu là sẽ chia đều cho cả phía NH cho vay và cho chính người vay vốn. Trên thực tế, người nông dân khi được hỗ trợ thường sẽ có mong muốn làm lớn, lúc đó khả năng trả nợ có đủ hay không cần xem xét kỹ lưỡng. Chính sách của Chính phủ là khung cao nhất. Song cần nhắc lại rằng tới khi triển khai xuống các bộ, ngành liên quan cần có tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ rủi ro, đi cùng với điều kiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh phải có hiệu quả theo đánh giá của bên cho vay. Việc phân loại các cấp độ rủi ro sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho cả phía NH và người vay. Ông Dương Đức Hạnh - Giám đốc Agribank Nho Quan (Ninh Bình): Phải gắn chặt với chính quyền địa phương Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank Nho Quan đang tiếp tục bám sát định hướng phát triển xã hội của huyện, của Ngành; tập trung phát triển cho vay, đáp ứng cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu, có khả năng sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay và các dịch vụ tiện ích khác của NH để phát triển kinh tế. Cho vay nông nghiệp, nông thôn phải gắn chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách tam nông, do đó Agribank Nho Quan đã thực hiện triệt để việc vay vốn thông qua các tổ vay vốn của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... Agribank Nho Quan cũng mong muốn chính quyền địa phương, các cấp hội hỗ trợ kịp thời cho nông dân về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công tác tìm đầu ra sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó tăng cường phối hợp với Agribank trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát vốn vay, đôn đốc, xử lý và thu hồi nợ đến hạn, quá hạn và nợ xấu nhất là những trường hợp vay tín chấp. PV thực hiện |
Hà Thành/http://thoibaonganhang.vn