Chính sách - đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển

Chính sách - đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển
Sau khi UBND tỉnh ban hành danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh, cùng với các chính sách khuyến khích phát triển; các huyện, thành phố, thị xã cũng đã xác định sản phẩm chủ lực của địa phương mình và có các chính sách đi kèm đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, hình thành nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao trên tất cả các lĩnh vực.

Theo báo cáo của các huyện, thành phố, thị xã đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 1.583 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả doanh thu trên 100 triệu đồng/năm; trong đó có 249 mô hình có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm; 151 mô hình có doanh thu từ 501 triệu đồng – 1 tỷ đồng/năm; 299 mô hình có  doanh thu dự kiến từ 201 – 500 triệu đồng/năm; 884 mô hình có doanh thu từ 100 – 200 triệu đồng/năm. 
.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn (426 ha) tại xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) liên kết với Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An.
 
Các mô hình quy mô lớn doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm ngày càng tăng nhanh về số lượng: từ 74 mô hình năm 2011, 84 mô hình năm 2012 thì đến 9 tháng đầu năm 2013 đã có 91 mô hình thành lập mới dự kiến doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm trở lên, đặc biệt trong 3 năm có 20 mô hình có doanh thu cao (5 -7 tỷ đồng/năm). Một số mô hình tiêu biểu trong 9 tháng đầu năm 2013 như: Mô hình cánh đồng mẫu Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên quy mô 170 ha đạt doanh thu 10,7 tỷ; mô hình liên kết chăn nuôi lợn thương phẩm của HTX Hà Phi (Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) quy mô 1.200 con/lứa, dự kiến doanh thu 9,2 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của Đặng Tiến Cảnh (Minh Đức, Kỳ Anh) quy mô 5 ha, dự kiến doanh thu 6 tỷ đồng/năm,... Bên cạnh đó, các mô hình quy mô hộ gia đình có hiệu quả kinh tế cao ngày càng được mở rộng, từ 42 mô hình năm 2011 đã thành lập thêm 516 mô hình năm 2012 và 326 mô hình mới trong 9 tháng đầu năm 2013 cho thấy các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện góp phần không nhỏ thúc đẩy các hộ nông dân phát triển kinh tế hộ.
 
,
Mô hình liên kết chăn nuôi lợn thương phẩm của HTX Hà Phi (Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) quy mô 1.200 con/lứa, dự kiến doanh thu 9,2 tỷ đồng/năm.

Sự tham gia của các Doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn củng có những tín hiệu đáng mừng; trong năm 2011, toàn tỉnh chỉ mới có 7 mô hình liên kết với doanh nghiệp thì đến năm 2012 đã có 363 mô hình và 9 tháng đầu năm xuất hiện thêm 32 mô hình liên kết. Các mô hình liên kết với doanh nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, điển hình như Tổng công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh, Công ty TNHH Hoàng Long, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty cổ phần Vật tư Nghệ An đã giúp người dân tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, sản phẩm làm ra phù hợp với thị trường. Có những doanh nghiêp chưa từng đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn nhưng nay lại đầu tư và đầu tư lớn trong lĩnh vực này, tiêu biểu như Công ty Xây dựng và dịch vụ thương mại Châu Đoài ở Kỳ Anh, Công ty TNHH Hoàng Anh, ở Hương Khê, Công ty Cổ phần Hà Lâm, ở Kỳ Anh, Công ty TNHH Khánh Môn ở thành phố Hà Tĩnh.

Mô hình nuôi tôm trên cát theo công nghệ cao tại Xuân Phổ (Nghi Xuân)

Có được những kết quả đó là nhờ có những cơ chế, chính sách đúng đắn của tỉnh, môi trường đầu tư  đươc cải thiện đồng thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, công tác tuyên truyền hướng dẫn của các cấp, các ngành thời gian qua đã khơi dậy phong trào thi đua phát triển sản xuất, hình thành tư duy sản xuất hàng hoá cho nông dân. Theo báo cáo của ngân hàng nhà nước, đến 30/9/2013 lũy kế doanh số cho vay có hỗ trợ lãi vay đạt 707,4 tỷ đồng với tổng số khách hàng gần 9.000 khách hàng. Kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2013 đạt  19,3 tỷ đồng./.
 
Trường Giang
Văn phòng điều phối NTM tỉnh