Chuyện về ông Phú “xe lam miễn phí”

Chuyện về ông Phú “xe lam miễn phí”
Gần 3 năm nay, nắng cũng như mưa, cựu chiến binh Trần Văn Phú ở tổ dân phố Giáp Hải, phường Dĩnh Kế, TP.Bắc Giang (Bắc Giang) vẫn ngày ngày đưa, đón gần 10 học sinh đến trường an toàn. Điều đáng quý là, ông đưa đón các cháu hoàn toàn miễn phí. Nghĩa cử cao đẹp của ông đã giúp nhiều gia đình khó khăn yên tâm đi làm mỗi khi về muộn.
 

Việc làm của ông Phú giúp các phụ huynh yên tâm mỗi khi về muộn.

Ngày nào cũng vậy, hình  ảnh người đàn ông gần 70  tuổi nhưng vẫn còn khỏe khoắn đội chiếc mũ cối, khoác trên mình chiếc áo lính bạc màu đứng giữa đám đông gần cổng Trường Tiểu học Dĩnh Kế ngóng đợi đã trở nên quen thuộc. Dù trời nắng hay mưa, mọi người vẫn thấy ông đứng bên phải cổng trường cùng chiếc xe ba bánh chạy bằng điện đợi các cháu.

Ông là Trần Văn Phú, sinh năm 1949, ở tổ dân phố Giáp Hải, phường Dĩnh Kế, một trong những nhân chứng sống của lịch sử khi tham gia vào nhiều trận đánh ác liệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. May mắn sống sót trở về, ông tiếp tục đóng góp sức mình, tạo tiếng thơm cho quê hương.

Ngoài thời gian hàng chục năm là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, nhiều năm làm trưởng thôn Chợ, nay là tổ dân phố Giáp Hải, ông Phú còn có nhiều đóng góp cho công tác mặt trận khu dân cư. Nhưng mọi người ấn tượng nhất về ông lại là việc làm tưởng như nhỏ bé nhưng hết sức nhân văn, đó là hàng ngày đưa đón các cháu học sinh trong khu phố đi học miễn phí. Cũng từ đây mọi người thường gọi ông với cái tên trìu mến “Ông Phú xe lam miễn phí”.

Chuyện bắt đầu từ năm 2014, chuẩn bị bước vào năm học mới, một lần ông Phú đi du lịch, được ngồi trên xe điện êm ru, từ đây ông nảy suy nghĩ dùng xe này để đưa đón con cháu đến trường, thay vì phải chở 2-3 cháu trên xe máy, vừa vất vả lại không an toàn. Nghĩ là làm, ông về nhà gom tiền tìm mua xe điện cũ, đóng lại mái che, lắp hai hàng ghế làm phương tiện đưa đón học sinh tới trường.

Hàng ngày ông đưa đón khoảng 10 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 tới trường với quãng đường dài chừng 2km. Không dừng lại ở việc đưa đón, ông Phú rất quan tâm đến giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho các cháu. Ông ra quy định, khi ngồi trên xe không được trêu đùa vì dễ gây tai nạn, không được nói tục, chửi bậy.

Điều đặc biệt, từ khi nhận đưa đón các cháu đến nay, chưa khi nào ông đòi hỏi kinh phí hay một khoản hỗ trợ nào khác từ phía các gia đình. Nhiều người viện cớ xin hỗ trợ tiền để ông sạc điện hoặc tu sửa xe khi hỏng nhưng ông từ chối, thậm chí, hàng ngày bố mẹ các cháu đi làm về muộn, vợ chồng ông Phú còn kiêm luôn việc trông coi các cháu.

Khi được hỏi về lý do đưa đón các cháu học sinh miễn phí, ông Phú cho biết, do tiện chuyến đưa đón cháu mình đi học, vả lại bố mẹ bọn trẻ ở đây phải đi làm rất sớm, tối muộn mới về nên việc đưa đón con đi học gặp khó khăn, bản thân mình còn sức khỏe, có thời gian thì mình giúp.

Ông Phú tâm sự, khu vực quanh tổ dân phố Giáp Hải có nhiều cặp vợ chồng quê ở xa về đây thuê trọ. Với đồng lương công nhân hạn hẹp, nếu thuê người đưa đón con đi học hằng ngày, chắc cuộc sống sẽ rất chật vật. Trước đây, nhiều gia đình đã phải thuê người đưa đón con đi học bằng xe máy, chi phí vài trăm nghìn đồng/tháng.

Sau giờ tan học, ông Phú cẩn thận đón các cháu tập trung tại xe để đưa về nhà.

Trao đổi về việc đưa đón trẻ miễn phí tới trường hàng ngày, bà Nguyễn Thị Liệu, vợ ông Phú tâm sự, nhiều hôm thương chồng tuổi cao vất vả, tôi khuyên nên nghỉ ngơi nhưng ông ấy không nghe. Chồng tôi bảo, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh ngoài chiến trường, mình may mắn sống sót trở về, nay còn có sức khỏe giúp được mọi người là giúp. Đó cũng là niềm vui, là tâm niệm của ông ấy.

Theo ông Thân Văn Bình, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố Giáp Hải, ông Phú là người nhiệt tình, làm việc có trách nhiệm. Khu vực này có nhiều cặp vợ chồng trẻ đều làm công nhân, kinh tế không mấy dư giả nếu phải bỏ tiền ra thuê người đưa đón các cháu thì rất khó khăn. Từ ngày ông Phú đưa, đón các cháu tới trường, các phụ huynh giảm được một phần kinh phí và cũng yên tâm hơn mỗi khi đi làm về muộn.

Ở thời buổi kinh tế thị trường, mặt trái của xã hội đã tác động đến lối sống coi nặng giá trị vật chất. Thế nhưng, ở khu phố với nhiều gia đình công nhân còn nhiều khó khăn như Giáp Hải, vẫn có người sống hết lòng vì mọi người, biết chia sẻ những vất vả của người khác, coi đó là niềm hạnh phúc của bản thân. Việc làm bình dị của cựu chiến binh Trần Văn Phú góp phần tô thắm thêm hình ảnh của anh bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình.

Hoàng Văn/kinhtenongthon.com.vn