Làng quê đang méo mó: [Bài cuối] Hải Hậu - hình mẫu nhưng khó học tập
- Thứ tư - 20/11/2019 02:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lý giải của ông Bí thư
Đường làng ngõ xóm nhiều xã thẳng tắp như ô bàn cờ, rộng hai ô tô tránh nhau, tít tắp hàng cau hai bên xanh ngắt. Phần lớn gia đình nào cũng có vườn trước trồng cau, vườn sau trồng chuối, có ao và ngôi nhà ba gian hai chái, năm gian hai chái hoặc nhà xây hai tầng nhưng vẫn có mái và là hướng nam.
Từ hang cùng đến ngõ hẻm hầu như rất ít rác - thứ tuy không được đưa vào chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nhưng lại phổ biến hơn tất cả các sản phẩm khác ở các vùng. Tối tối, khắp quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ đến thôn lộ đều bừng sáng ánh đèn, nhìn từ flycam trông hệt sao sa.
Cuốn hút và mê say nhưng các vùng khác khó có thể học tập được Hải Hậu. Vì sao?
Bí thư Huyện ủy Mai Văn Quyết lý giải: Địa phương có được kết cấu làng xã như hiện nay bởi nhiều lý do.
Bí thư Huyện ủy Hải Hậu - ông Mai Văn Quyết. |
Thứ nhất đây là vùng biển bồi, dòng chảy các con sông theo hướng Bắc - Nam trong khi xưa kia cha ông đi quai đê lấn biển mở mang bờ cõi lại theo hướng Đông - Tây, đường sá rồi kênh mương cắt ngang tự nhiên thành những ô bàn cờ.
Đặc trưng nhất cho điều ấy phải kể đến các xã như Hải Đường, Hải Anh, Hải Phương, Hải Châu, Hải Tân… Khai hoang đến đâu, bổng lộc là đất đai được cấp theo đến đấy cho 4 dòng họ chính là Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập (tứ tổ). Còn dân chủ yếu dựng nhà ở hướng nam ngoài lý do mát mẻ còn bởi đây là hướng an toàn nhất khi có gió bão.
Thứ hai là cộng đồng dân cư trong đó có tới 45% là công giáo ở xen lẫn với dân lương rất thuận hòa, đoàn kết và có tính kỷ luật. Trong các làng vẫn tồn tại hương ước quy định về việc xây dựng hay bảo vệ môi trường. Trong mỗi xóm về mặt địa lý lại có vài xóm cố hương với các dong (dãy nhà chừng 30-40 hộ - PV) có quy ước riêng để cùng nhau phòng chống thiên tai hay chia sẻ những công việc “cha già mẹ héo”.
Thứ ba là do kinh tế của huyện bây giờ vẫn phần lớn thuần nông, tốc độ đô thị hóa chậm, con em ra ngoài gửi tiền về hỗ trợ để xây dựng quê hương nhưng không vì thế mà tiêu pha lãng phí.
Khuôn viên nhà văn hóa xóm 2, xã Hải Châu, huyện Hải Hậu rất thanh bình và đẹp. |
Những nếp nhà xưa cũ nếu còn khả năng sử dụng sẽ được cải tạo lại, bổ sung tiện nghi bên trong để phù hợp với lối sống hiện đại. Nhà dân đã thế mà ngay cả 4 dãy nhà trụ sở của Huyện ủy, UBND xây dựng từ năm 1961 vẫn còn được trọng dùng như thường…
Còn một lý do rất quan trọng nữa mà ông Bí thư chưa nói nhưng tôi ngẫm là do diện tích đất của mỗi hộ gia đình ở nhiều xã của Hải Hậu vẫn còn rất rộng, cỡ 4-5 sào. Điều đó đủ để người dân có thể gìn giữ nếp sống làng quê với ao cá, vườn cây và một ngôi nhà nằm chính giữa cũng như có thể tình nguyện lùi tường rào, hiến đất khi địa phương cần mở đường, mở ngõ.
Hải Châu - mảnh đất lắm người mê
Mấy năm trước về xã Hải Đường tôi đã nắc nỏm vì vẻ đẹp của đường làng, ngõ xóm đến từng mái nhà hài hòa dưới tán lá thì nay về xã Hải Châu lại càng thêm ấn tượng.
Đường sá thẳng tắp chia theo ô bàn cờ, nhỏ nhất là đường xóm cũng rộng cỡ 5m, đường thôn rộng 8-9m, đường xã rộng 12m được thảm bê tông hay là nhựa. Trước đây chúng vốn bằng đất, đường xóm chỉ rộng 2-3m, đường thôn rộng 4-5m, đường xã rộng 5-6m nay nhờ có chương trình nông thôn mới, dân nguyện hiến đất mà trở nên rộng rãi thênh thang.
Một người phụ nữ đang cào thóc trên đường làng ở xã Hải Châu. |
Nhà nào hầu như cũng còn ao với hệ thống ống dẫn ngầm nước vào ra lưu chuyển chứ không tù đọng. Xưa đây vốn là vùng trũng thấp, dân muốn làm nhà buộc phải đào ao để lấy đất đắp nền rồi giữ luôn lại vừa nuôi cá vừa lấy mặt nước điều hòa tiểu khí hậu. Thửa đất nguyên bản của mỗi gia đình rộng 4-5 sào nay dù có chia cho con, cho cái vẫn giữ được ít nhất 1,5-2 sào với kết cấu xung quanh là hàng cau chạy song song với tường bao, có vườn trước, vườn sau.
Khoảng 70% nhà ở Hải Châu vẫn là mái ngói, 30% còn lại xây mới theo kiểu nhà tầng trong đó phần lớn có mái bê tông rồi dán ngói, phần ít hơn là mái bằng. Lý do, giờ quỹ đất ít hơn, mưa bão nhiều hơn, tre luồng, gỗ lạt cao giá. Thêm vào đó, nhà bê tông cũng đỡ phải sửa chữa, đảo ngói hơn nhà truyền thống.
21 xóm đều có hương ước để giữ gìn nét đẹp quê hương trong đó quy định hễ vứt rác là bị phạt tới 500.000đ. Một đội chuyên thu gom rác về nơi xử lý theo định kỳ 3-4 ngày/lần. Trước đó chúng đã được phân loại, hữu cơ được giữ lại, đào hố, chôn lấp ngay trong vườn nhà khi nào đầy thì phủ đất lên thành một thứ phân tự nhiên vừa tốt cho cây cối vừa giảm được 70-80% rác thải sinh hoạt.
Ở vào cái tuổi 80 nhưng ông Nguyễn Thanh Lựu ở xóm 2 vẫn suốt ngày ngoài vườn, khi cắt tỉa cho mấy luống thanh long, lúc lại xới xáo cho mấy gốc chanh, gốc na hoặc ra ao chăm cá. Bao bọc khu đất là hàng trăm cây cau thẳng tắp như một hàng vệ binh. Yếu hơn chồng, vợ ông chỉ quẩn quanh ngồi nghỉ trong căn nhà mái Thái mới xây năm 2018 với diện tích sàn 100m2 gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng thờ kết cấu theo không gian mở.
Khu vườn của ông Nguyễn Thanh Lựu ở xóm 2 xã Hải Châu. |
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Lựu trước ngôi nhà mới xây. |
Ông Nguyễn Thanh Hòa - em trai ông Lựu hiện đang làm Bí thư xóm 2 bảo với tôi rằng chính quyền đang khuyến cáo nhà nhà trồng cây trong vườn theo quy hoạch, luống nào ra luống nấy chứ không kiểu vườn tạp như thủa xưa.
Hai bên cổng mỗi gia đình đều sắp đặt những chậu hoa trang trí. Đường xóm rộng trung bình 5m và không bị cụt. Song song với đường là mong (mương nước to) được kè sạch sẽ phục vụ cho việc lấy nước từ hệ thống thủy lợi vào ra cho các ao hồ. 145 hộ trong xóm là 145 cái ao, 145 khu vườn.
Trước đây đã hình thành thế, ngày nay nông thôn mới kiểu mẫu thì nhà kiên cố, bên trong đồ đạc gọn gàng, tiện cho sinh hoạt, nước có thể lấy dễ dàng khi gặp hỏa hoạn bất ngờ. Đi khắp làng cũng không thấy một túi nylon nổi lập lờ trên mương máng hay rác tấp từng túi, rác dúi vệ đường như nhiều ngõ phố ngoài Hà Nội.
Tôi hỏi thì ông Hòa cười bảo làng cũng mới lập hương ước thôi, năm 2012 trong đó có quy định việc thu gom rác phải đúng ngày, vệ sinh đường làng phải định kỳ và chế tài xử phạt nhưng chưa có người nào vi phạm cả. Mỗi gia đình đều có một thùng rác vô cơ và một hố rác hữu cơ ngoài vườn để chôn lấp tại chỗ.
Bên cạnh dạng nhà mái Thái, nhà tầng có mái mới xây, phổ biến ở làng vẫn là nhà mái truyền thống tồn tại 20-30 năm trước.
Một ngôi nhà cũ ở xóm 2 xã Hải Châu. |
Một ngôi nhà mới ở xóm 2, xã Hải Châu. |
Chị Phan Thị Dung vẫn ở cùng các con trong căn nhà 3 gian, 1 buồng với nhà ngang làm bếp và chứa nông cụ, thóc gạo xây từ năm 1993 ,không phải bởi không có tiền mà là: “Nó vẫn ở tốt, thoáng mát với 4 chỗ để ngủ, tiện lợi cho sinh hoạt của nhà nông như không phải leo trèo, dễ dàng lau dọn. Vả lại với các con của tôi, đó là kỷ niệm về người bố đã mất nên chúng chỉ sửa chữa thêm chứ không nỡ nào phá bỏ”.
Ngủ không cần cài then
Làng không có lò gạch, nhà máy, không có nạn đốt rơm rạ mỗi vụ vào mùa. Làng không có nghiện hút, không có trộm cắp nên nhiều nhà vẫn giữ thói quen ngủ tối mà không cần phải đóng cổng hay cài then cửa. Bầu không khí lúc nào cũng thoảng mát hương cau vì hầu như nhà nhà đều có ít cũng dăm ba chục gốc, nhiều lên đến cả trăm.
Không chỉ thế, 600 gốc cau còn được tập thể trồng ở ven 4 đường dong (đường xóm) bởi đó là thứ cây thân mảnh mai, cao vút không sợ tốn đất, bởi quả mỗi mùa thu bán cũng được 40-50 triệu đủ để thanh toán tiền điện đường và tổ chức liên hoan cho cả xóm.
Thôn bé nhưng có tới 80 cụ cao tuổi, nhiều người trong đó vẫn còn dẻo dai hàng tuần cùng con cháu ra làm cỏ, cắt tỉa, chăm sóc cho cây cảnh ở khu vực công cộng. Nhờ đó mà tuyến đường hoa dài 500m, đẹp nhất huyện luôn được duy trì. 10 năm làm nông thôn mới, mỗi hộ dân của thôn chắt chiu từ hạt lúa, củ khoai góp trung bình 40 triệu mà không hề có một câu ta thán.