Những tấm biển phản... văn hóa
- Chủ nhật - 08/03/2015 12:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khẩu hiệu suông
Điều dễ bắt gặp hiện nay là tình trạng lệch pha giữa nội dung biển hiệu với thực tế. Điều này làm cho các tấm biển trở thành một biểu hiện của sự hài hước.
Hài hước nhất là các tấm biển về “Đoạn đường tự quản” do các tổ chức, đoàn thể đảm nhiệm quản lý như: đoạn đường xanh - sạch - đẹp - an toàn, đoạn đường thanh niên tự quản, phụ nữ tự quản, cựu chiến binh tự quản.
Nhìn tấm biển và con đường này mà buồn cho chính quyền xã Thượng Lộc |
Tại Thượng Lộc (Can Lộc), trên đường vào thôn Anh Hùng, nơi hàng ngày có hàng trăm lượt xe quá khổ, quá tải vào khai thác đất trái phép tại các khu vườn và một số mỏ “chui”, đoàn thanh niên xã gắn tấm biển “Đoạn đường thanh niên tự quản, xanh - sạch - đẹp - an toàn, lý trình dài 3.200m”.
Cách dăm bảy mét, tôi nhận thấy, tấm biển bị che phủ bởi bụi đất và đã thủng vài chỗ lớn, làm mất cả phần chữ. Cùng với tấm biển, hai bên đường, vệ cỏ cũng nhuốm màu đất. Đoàn thanh niên là chủ quản nhưng nhìn vào tấm biển có thể thấy được “tấm biển” chỉ là khẩu hiệu suông!
Cũng phổ biến như loại biển trên là biển cấm đổ rác. Do thiếu địa điểm tập kết rác và sự thiếu ý thức, nhiều cung đường đẹp đã trở thành cung đường của rác, đặc biệt là các ngã ba, ngã tư, những nơi có lề đường rộng, nhất là những điểm giáp ranh giữa các xã.
Tấm biển ngay tại ngã tư giao nhau giữa đường từ thị trấn Thạch Hà lên Thạch Đài với đường tránh TP Hà Tĩnh |
Từ thị trấn Thạch Hà lên ngã tư giao với đường tránh TP Hà Tĩnh, người đi đường không khó để nhận ra một điểm tập kết rác lớn ngay bên đường. Những đống rác được đốt đi rồi lại mọc lên như nấm, trong khi, tấm biển vẫn tồn tại ngày qua ngày với dòng chữ rõ ràng: “Toàn dân cùng phát giác vì hành vi vứt rác bừa bãi”. Tương tự, ngay ở chân cầu Đò Hà thuộc địa phận xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh), tấm biển “cấm đổ rác” vẫn thường xuyên bị rác bủa vây.
Biển quảng cáo phản văn hóa
Biển quảng cáo ngoài chức năng thông tin về kinh doanh cần phải đảm bảo các tiêu chí của tiếng Việt. Tiếc rằng, trên địa bàn, nhất là ở các vùng nông thôn, các biển hiệu đang được làm tùy tiện và viết sai ngữ pháp, chính tả.
Bên cạnh sự phản cảm, những tấm biển này đang tác động nhất định tới số đông dù rất khó kiểm soát. Tình trạng phổ biến là sai trong dùng dấu ngã (~) và dấu hỏi (’). Chẳng hạn như: “sửa xe” thành “sữa xe”, “sữa tươi” thành “sửa tươi”…;
Một tấm biển hài hước |
Bên cạnh sai ngữ pháp, rất nhiều tấm biển quảng cáo sai về nội dung thông tin. Sai phổ biến nhất là từ thêm từ “siêu” trên biển như: siêu rẻ, siêu sạch, siêu khuyến mãi. Thậm chí, có tấm biển ghi sai đến mức hài hước: “Đặc sản 2 chân” trong khi lại bán… thịt chó!
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là nỗ lực đòi hỏi từ nhiều phía, trong đó có trách nhiệm của những người viết, treo biển hiệu, khẩu hiệu, băng rôn. Viết sai tiếng Việt có thể tác động lâu dài đến thói quen trong sử dụng ngôn ngữ của nhiều người, góp phần làm… xấu tiếng Việt.
Trung Dân
Theo baohatinh.vn