Tục cưới không phong bì ở Bồng Lai

Tục cưới không phong bì ở Bồng Lai
Bồng Lai là một trong ba thôn của xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang (Hải Dương). Ở đây có tục cưới không phong bì đối với những gia đình có con gái đi lấy chồng.

Ông Lê Đình Xô, Trưởng thôn Bồng Lai, cho biết: Bồng Lai là thôn có dân số đông nhất xã. Hiện tại thôn có 8 xóm với 1.600 hộ và trên 4.300 nhân khẩu. Hàng năm ở thôn có từ 25 - 30 đám cưới, trong đó một nửa là gia đình nhà gái. Tục ăn cỗ cưới không phong bì đối với gia đình có con gái đi lấy chồng ở địa phương tồn tại từ rất lâu, đến đời ông cha, con cháu chúng tôi vẫn còn theo và lưu giữ.


Lễ cưới không phong bì với nhà gái ở Bồng Lai vẫn được duy trì 

Đến thăm gia đình ông Bùi Đức Hạnh (52 tuổi) ở xóm 3, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, gia đình ông có 8 người con (5 gái, 3 trai), kinh tế của gia đình phụ thuộc vào 7 sào ruộng khoán và nghề chở vôi thuê. 

Ông Hạnh cho biết: Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng khi tổ chức lễ cưới cho 3 người con gái lớn, gia đình tôi không lấy tiền mừng của họ hàng và khách vì bây giờ mình lấy tiền mừng, sau đó mọi người có công việc mình lại phải mừng lại và phong tục ở địa phương từ trước tới nay không cho phép, nên gia đình tôi chỉ mời những người trong họ hàng gần gũi thân quen, không mời rộng, nên đỡ tốn kém.

Cũng giống như ông Hạnh, gia đình bà Hà Thị Lanh (56 tuổi) ở xóm 7, có 6 người con (4 gái, 2 trai). Đến nay 4 người con gái của gia đình bà đã xây dựng gia đình. Trong khi chồng và người con trai bị bệnh, nên khi 4 người con gái đi lấy chồng gia đình bà chỉ tổ chức gọn nhẹ từ 10 - 15 mâm, chủ yếu mời anh em họ hàng nội tộc và bạn bè thân thiết.

Bà Lanh cho rằng nếu địa phương không có tục này thì chắc chắn gia đình phải đi vay tiền để tổ chức lễ cưới cho các con. Vì ở làng có phong tục cưới con gái mọi người đi ăn cỗ không phong bì, nên dù gia đình có 2 sào ruộng khoán nhưng bà vẫn tổ chức cỗ bàn tươm tất.

Ông Nguyễn Tuấn Mức, Trưởng ban Văn hóa xã Ninh Hải, cho biết: Đây là một phong tục đẹp nên duy trì, bởi vì hiện nay lễ cưới rất tốn kém trong khi địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, không có điều kiện để mở mang, gia đình nào có kinh tế đến đâu thì tổ chức đến đó, không đua đòi,  thậm chí một số gia đình có con trai lấy vợ cũng không lấy phong bì.

Theo ông Mức, từ chuyện ăn cỗ cưới không phong bì đã góp phần làm lành mạnh hóa việc tang. Nhiều năm nay, ở địa phương mỗi khi có người qua đời thì đến ngày 49, 100 ngày, giỗ đầu, xây mộ mới, người nhà mời khách cũng không nhận phong bì.

Nguồn: nongnghiep.vn