Văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 08/07/2013 10:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhà văn hóa: Nơi thừa, chỗ thiếu
Trong khuôn khổ Liên hoan văn nghệ, thể thao quần chúng, trưng bày triển lãm ảnh xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới khu vực miền Trung-Tây Nguyên, năm 2013, vừa diễn ra từ ngày 2 đến 5-7, tại Thanh Hóa, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tổ chức Tọa đàm “Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới”. Tọa đàm thu hút những ý kiến đóng góp, chia sẻ của đại diện đến từ 9 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên, trong đó có các xã điểm được cho là hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, nhấn mạnh đến cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí 6) và tiêu chí về phong trào xây dựng đời sống văn hóa (tiêu chí 16) trong Bộ Tiêu chí quốc gia nông thôn mới, hầu hết đại biểu đều cho rằng, việc triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa cũng như vận hành nó đang gặp nhiều khó khăn. Đại diện tỉnh Ninh Thuận cho biết, tại các địa phương trong tỉnh (tình trạng này cũng bắt gặp ở các địa phương khác), là việc thiếu các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao cho thanh, thiếu niên; nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa quá ít (150 triệu/thôn và 300 triệu/xã); có nơi xây dựng xong được nhà văn hóa thì thiếu trang thiết bị; một số nhà văn hóa được đầu tư trang thiết bị thì không có người trông coi, vận hành (do không có chính sách chi trả tiền lương)… Ở một số địa phương phải mang loa, đài, âm thanh… gửi nhà đồng chí trưởng thôn, khi có việc lại khuân vác ra để sử dụng. Có địa phương, nhà văn hóa đầy đủ cả về diện tích, trang thiết bị, nhưng lại không có các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nên xảy ra tình trạng… bỏ hoang như các phương tiện truyền thông đề cập đến thời gian qua.
Tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ, diễn viên Tây Nguyên tại Liên hoan tuyên truyền Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. |
Trong báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở cũng nhận định, sau thời gian thực hiện xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, kết quả đạt chậm so với mục tiêu đặt ra, nhận thức về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới còn nhiều bất cập, nguồn lực xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới còn khó khăn, vướng mắc, thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn còn thiếu và yếu... Nổi cộm trong các vướng mắc là phong tục, tập quán lạc hậu ở nhiều nơi còn nặng nề, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số; chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa ở nhiều nơi chưa bảo đảm, chạy theo thành tích...
Nhân rộng các mô hình
Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn với mỗi địa phương có đặc thù kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau, vì vậy, các mô hình được triển khai khác nhau.
Mô hình triển khai xây dựng đời sống nông thôn mới của xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) được đại diện địa phương chia sẻ: Là quê hương có truyền thống cách mạng và văn hóa, vì vậy, khi triển khai chương trình mục tiêu đã xác định lấy văn hóa làm nền tảng. Đến nay, Thạch Châu được chọn là xã điểm về xây dựng nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí, có kết quả này, các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng và thường xuyên bổ sung quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại… Xã Hoài Hương (Hoài Nhơn, Bình Định) mạnh dạn kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn; nhà văn hóa nơi đây được xây dựng với vốn đầu tư 450 triệu, được lắp đặt trang thiết bị âm thanh, hệ thống thư viện, sách báo, có người trông coi được trả lương... Tới nay, Hoài Hương đã xây dựng 11/11 nhà văn hóa thôn, xây dựng sân bóng đá 10/11 thôn, 11/11 sân cầu lông. Còn đại diện xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa-một trong ba xã của tỉnh đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, chia sẻ kinh nghiệm, đã phát động phong trào thi đua ở 12 thôn “Xây dựng đời sống văn hóa”, tập trung vào chỉnh trang nhà ở, tường rào, đóng góp tự nguyện xây dựng nhà văn hóa-khu thể dục thể thao thôn; đặc biệt là phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ dần những phong tục, tập quán nặng nề trong việc cưới, tang, lễ hội…
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, xây dựng được bao nhiêu nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao, hay phát động được phong trào có vẻ dễ, nhưng nội dung về văn hóa bao hàm không phải là những con số, mà phải là sự cảm nhận, thấy được sự thay đổi đời sống văn hóa ở các địa phương. Và sự vận động, phát triển trên phương diện văn hóa phải có thời gian dài, hiệu quả chứ không thể vài ba năm mà đạt được. Vì vậy, những người làm văn hóa phải bền bỉ, nhiệt huyết, tranh thủ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương; đặc biệt chú trọng tới vấn đề truyền thông, tuyên truyền các mô hình cụ thể, thiết thực, gương người tốt, việc tốt… để làm sao phát huy hơn nữa vai trò của các hoạt động văn hóa, mô hình văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ
Theo qdnd.vn
Theo qdnd.vn