Nâng cao ý thức sử dụng thuốc BVTV

Nâng cao ý thức sử dụng thuốc BVTV
Sử dụng thuốc BVTV và xử lý vỏ bao bì thuốc đã qua sử dụng không đúng cách đang là vấn đề nóng, đặc biệt là tại ĐBSCL - vựa lúa lớn nhất của cả nước.

 

Thuốc BVTV là vật tư không thể thiếu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và canh tác lúa nói riêng. Không thể phủ nhận, thuốc BVTV giúp bà con nông dân kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, thuốc BVTV cũng là con dao 2 lưỡi, nếu lạm dụng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường nông nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe con người…

Thuốc BVTV là vật tư không thể thiếu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp

Tại Việt Nam, vẫn còn tình trạng người nông dân sử dụng lãng phí, không cần thiết, hoặc sử dụng không đúng cách thuốc BVTV, pha trộn nhiều loại thuốc, tăng nồng độ gấp nhiều lần… để chắc chắn đạt hiệu quả sau khi phun. Thậm chí khi tiến hành phun thuốc, người nông dân còn thờ ơ trong việc bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình: không đeo khẩu trang, ủng, găng tay, quần áo bảo hộ…

Tình trạng nông dân phun thuốc hóa học sau đó vứt bỏ bao bì ngay tại ruộng, bờ lô, kênh, rạch… vẫn thường xuyên xảy ra. “Trước phun xịt bằng tay người ta hay tăng liều. Có người tăng gấp 4, gấp 5 lần cho nhẹ phun và nghĩ rằng hiệu quả”, ông Hoàng Văn Thông, nông dân trồng lúa tại ĐBSCL cho biết.

Sử dụng thuốc BVTV và xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng không đúng cách đang là vấn đề nóng, đặc biệt là tại ĐBSCL. Bởi đây là vựa lúa lớn nhất cả nước , việc sử dụng thuốc hóa học ở khu vực này cao hơn so với những vùng khác. Trung bình, bà con nông dân phun từ 5 - 8 lần/vụ,  tương ứng với lượng bao bì, vỏ thuốc sử dụng khoảng 4 - 5kg/ha. 

Trước thực trạng này, đã có nhiều biện pháp được đưa ra để bà con nông dân nhận thức đúng đắn vai trò cũng như tác hại của thuốc BVTV. Đặc biệt là các lớp tập huấn đầu bờ cho nông dân (FFS) trong Chương trình IPM đã và đang diễn ra tại ĐBSCL.

Lớp tập huấn FFS mang lại nhiều kiến thức cho bà con nông dân tại ĐBSCL
Bộ NN-PTNT Việt Nam đã sử dụng 3,04 triệu USD tương đương 62,907 tỷ đồng, để thực hiện Chương trình IPM trên cây lúa tại 7 tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp ĐBSCL là: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Mục tiêu Chương trình nhằm giảm bớt 50% lượng thuốc trừ sâu và giảm 10% lượng phân bón sử dụng trên đồng ruộng vào năm 2016 gắn với xây dựng hệ canh tác bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Theo khuyến cáo của các nhà quản lý, nguyên tắc đầu tiên dùng đúng thuốc, là bà con phải xác định đúng loại sâu hại, dịch bệnh trên ruộng là loại nào, đó là cơ sở để chọn đúng thuốc. Nên chọn thuốc có tác dụng chọn lọc. Bởi những loại thuốc phổ tác dụng rộng nó sẽ tiêu diệt nhiều loại thiên địch, gây tái phát, bộc phát dịch hại hoặc kháng thuốc. Và phải sử dụng đúng thuốc trong danh mục, không sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục hoặc thuốc hết hạn sử dụng.

Ông Đỗ Văn Vấn, PGĐ Trung tâm BVTV phía Nam cho hay, thông thường bà con thường phun quá liều lượng có thể giết chết thiên địch, làm lá lúa bị cháy, mất màu, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bà con nông dân. Vì thế, bà con cần phải lưu ý đến nguyên tắc thứ 2, đó là phun đúng nồng độ và liều lượng khuyến cáo.

Ngoài ra, bà con nông dân nên cần chú ý phun đúng lúc: phun thuốc sâu bệnh, ở giai đoạn dịch hại mẫn cảm với thuốc nhất và phun vào thời điểm nhất định trong ngày (phun vào sáng sớm hoặc chiều tối) để hiệu quả được cao và không gây hại cho sức khỏe.

Thuốc BVTV có 3 dạng chính: Dạng lỏng, dạng hạt và dạng bột. Tùy theo tính chất vật lý mà chúng ta có những phương pháp pha thuốc cho đúng, phun đúng nơi cư trú của dịch hại. Bà con nông dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ chặt chẽ những lưu ý được ghi trên vỏ bao bì.

Để hạn chế tác hại của thuốc BVTV với sức khỏe, ngoài việc tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, việc trang bị dụng cụ, quần áo bảo hộ cũng cần phải được bà con nông dân chú ý. Trong chương trình IPM tại ĐBSCL, để hỗ trợ cho nông dân nghèo, các trang bị bảo hộ đã được mua và giao cho các hội nông dân, hội phụ nữ quản lý. Tại Sóc Trăng, đã có cán bộ Trung tâm Y tế huyện cung cấp dịch vụ y tế, khám chữa bệnh cho các hộ nghèo dễ bị tổn thương.

Ông Đỗ Văn Vấn (áo dài tay), PGĐ Trung tâm BVTV phía Nam cùng nông dân thăm đồng

Thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nông dân khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung về nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV, từ đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường sinh thái, hướng đến một nền nông nghiệp bền phát triển bền vững, đủ sức vươn ra thị trường thế giới.

"Hiện nay, nhiều bà con sử dụng thuốc BVTV chưa đúng, dẫn đến hiệu quả không cao đồng thời thất thu năng suất. Bà con chỉ nên sử dụng thuốc BVTV khi các phương pháp phòng trừ khác (chọn giống, phương pháp canh tác, bón phân, dâng mực nước…) không phát huy hiệu quả và khi sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách" - ông Đỗ Văn Vấn kết luận.

Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hàng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong. Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với cơ thể con người và môi trường xung quanh xảy ra khi thuốc được sử dụng không đúng các tiêu chuẩn quy định.

Theo Vũ Hồng Trang/nongnghiep.vn