Người dân quan tâm môi trường sống
- Thứ năm - 26/10/2017 22:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), ngoài việc các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện và chăm lo phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, thì những năm gần đây, bà con nông dân vùng nông thôn còn chú trọng việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường bằng những việc làm thiết thực, nhằm tạo ra cuộc sống ngày một trong lành, tốt đẹp hơn.
Người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp |
Việc Trung ương ban hành tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM là nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, để đạt những quy định của tiêu chí này luôn là nỗi trăn trở của các địa phương. Bởi có một thực trạng là, trước đây ở các vùng nông thôn, một bộ phận dân cư vẫn duy trì thói quen vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng, ven đường, kênh rạch.
Ngoài ra, việc thu gom rác thải tại một số nơi cũng gặp nhiều trở ngại do đường giao thông nông thôn quá hẹp, xe rác không thể đến tận nơi thu gom. Mặt khác, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh còn thấp, việc quan tâm tạo cảnh quan trước nhà bằng cách trồng hoa, cây xanh vẫn chưa được người dân quan tâm thực hiện...
Chăm lo cảnh quan trước nhà
Nhằm từng bước khắc phục những tồn tại trên, nhất là từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, các ngành liên quan từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức, từ đó dần thay đổi ý thức của bà con trong việc quan tâm đến môi trường sống.
Minh chứng dễ nhận thấy nhất là hiện các xã nông thôn, nhất là tại những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM thì điểm nhấn đầu tiên chính là cảnh quan trước nhà ngày càng xanh - sạch - đẹp với hàng rào cây xanh, cùng sự tươi mới của những bông hoa, vườn rau dọc theo những con đường bê tông hoặc nhựa hóa rộng mở đã tạo nên điểm nhấn ở các tuyến đường nông thôn.
Đang cắt tỉa lại hàng rào cây dâm bụt trước nhà, bà Nguyễn Thị Mai, ở ấp 2, xã NTM Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu lo phát triển kinh tế, ít quan tâm đến cảnh quan trước nhà. Từ khi chính quyền địa phương phát động và thấy một vài hộ làm đẹp trước nhà nên từ từ cả ấp làm theo và giờ có con lộ đẹp mắt, nhiều người khách đi qua đều khen. Buổi chiều đi làm về nhìn những bông hoa khoe sắc mà trong lòng cảm thấy thanh thản, nhẹ đi mệt nhọc, bao nỗi lo toan”.
Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tạo cảnh quan đẹp trước nhà là một trong những việc làm quan trọng trong xây dựng NTM. Bởi khi đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra xét công nhận xã đạt chuẩn NTM hay không thì đây là cái đập vào mắt đầu tiên. Tuy nhiên, muốn có được cảnh quan đẹp không phải là việc làm một ngày một bữa mà là cả một quá trình. Trước tiên cần ý thức của người dân mới góp phần tạo nên những con đường đầy sắc hoa lung linh.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, cho biết: Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành, các cấp, cộng với ý thức của người dân mà cảnh quan môi trường trước nhà ở nông thôn từng bước thay đổi mạnh mẽ theo hướng tích cực.
Hiện nay, không chỉ quan tâm vận động bà con làm đẹp cảnh quan trước nhà, mà mỗi địa phương còn chọn cho mình một sắc hoa, loại cây mang tính đặc trưng riêng. Chẳng hạn, về thăm các xã NTM trên địa bàn TX Ngã Bảy thì người ta nhắc ngay đến hoa hoàng yến, còn ở TX Long Mỹ hay huyện Long Mỹ thì cây huyết rồng luôn đỏ rực dọc theo các tuyến đường nông thôn.
Thay đổi nhiều thói quen
Cùng với tạo cảnh quan trước nhà, hiện người dân nông thôn còn thay đổi những thói quen xấu trước kia nhằm bảo vệ môi trường sống, trước tiên là việc xử lý vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. Hậu Giang là tỉnh thuần nông, đời sống của người dân nông thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.
Chính vì vậy, hàng năm lượng thuốc bảo vệ thực vật mà bà con sử dụng tương đối nhiều và việc xử lý những bao bì, vỏ chai sau sử dụng trong thời điểm trước đây vẫn còn nhiều bất cập khi bà con vứt bỏ lung tung. Tuy nhiên, qua tuyên truyền thì bà con đã dần bỏ thói quen trên và thu gom vỏ bao, vỏ chai để vào đúng nơi quy định.
Ngoài sửa thói quen trên, hiện đa phần nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất như mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo quy trình GAP, sử dụng chế phẩm sinh học thay cho hóa học... Đây là hướng đi phù hợp để hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và một xã NTM sáng - xanh - sạch - đẹp.
Ông Trần Văn Tây, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, thông tin: Cùng với chăm lo phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo thì trong quá trình giữ vững danh hiệu xã NTM, địa phương cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường sống. Điều phấn khởi là gần như 100% nông dân trên địa bàn xã đều được tập huấn và áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng” nên dần ít tác động đến môi trường sinh thái.
Bên cạnh ý thức bảo vệ môi trường sản xuất, một điểm đáng ghi nhận khác là hiện bà con vùng nông thôn đã phân loại rác sinh hoạt để có phương pháp xử lý phù hợp và tình trạng nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi xả thẳng xuống kênh, rạch đã giảm đi đáng kể. Ở các xã được công nhận đạt chuẩn NTM thì không còn cầu tiêu trên sông mà đều xây dựng hố xí tự hoại.
Bà Mai Thị Nho, ở ấp 7, xã NTM Vị Thắng, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, nhiều năm qua gia đình tôi luôn thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường sống bằng nhiều những việc làm thiết thực như xây dựng hố đốt rác thải, làm cầu vệ sinh tự hoại... Tôi nghĩ rằng, mỗi người chí làm một hành động nhỏ trong xử lý rác thải sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường sống xung quanh”.
Mặc dù người dân đã và đang quan tâm hơn đến môi trường sống bằng nhiều hành động thiết thực tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành và giữ vững tiêu chí về môi trường thì luôn cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường…
Để được công nhận tiêu chí môi trường thì các xã phải nỗ lực thực hiện đạt những chỉ tiêu như tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Ngoài ra, các xã đảm bảo mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. |