Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên đẩy mạnh tăng gia sản xuất

Không chỉ tập trung làm tốt cho công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng (PCCR) mà Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Cẩm Xuyên đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Điều đó không chỉ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận cán bộ công nhân mà cũng từ đó rừng được bảo vệ tốt hơn.
Mô hình nuôi giun quế tại Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên

Trong dự án trồng rừng 661, anh Hoàng Đình Ngụ, công nhân của BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên được phân công phụ trách địa bàn xã Cẩm Lĩnh và tạo cây giống. 10 năm sau, khi dự án kết thúc, việc bố trí công việc cho anh rất khó khăn nên BQL đã để anh làm công tác bảo vệ rừng. Do không có điểm chốt cố định nên anh không thể thường xuyên ở trong rừng được. Nhận thấy đó là một vấn đề bất cập và xuất phát từ mong muốn khai thác tối đa nguồn lợi từ rừng mang lại. Đồng thời tạo thêm việc làm cho công nhân, tháng 4 năm 2011 BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên đã xây dựng trang trại chăn nuôi lợn rừng trong khuôn viên diện tích trên 5 ha. Và cũng từ đó, anh Hoàng Đình Ngụ cùng với 4 công nhân trước đây cũng phụ trách dự án 661 như anh đã có thêm việc làm ổn định. Anh Hoàng Đình Ngụ cho biết: “Việc xây dựng khu trang trại và tận dụng diện tích đất rừng để chăn nuôi, trồng trọt đã tạo nên việc làm ổn định cho chúng tôi. Bước đầu cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, do những vật nuôi ở đây thức ăn dễ kiếm, môi trường hoang dã, rộng rãi nên đã thích nghi rất tốt.”

Khu trang trại của BQL cách mép rừng gần 4km. Từ khi xây dựng xong đến nay luôn có 5 người làm việc tại đây vừa phát triển chăn nuôi vừa làm điểm chốt bảo vệ, PCCR. Ban đầu 5 công nhân của trang trại đã tiến hành nuôi 5 con lợn rừng. Diện tích rộng, thức ăn dễ kiếm nên vật nuôi đã nhanh chóng sinh sản và thích nghi. Đầu năm 2012 đã xuất bán 12 con, trong đó có 3 lợn thịt và 8 lợn giống. Đến nay, trong khu trang trại đang có 40 con lợn rừng các loại. Ngoài chăn nuôi lợn rừng, dưới sự chỉ đạo của BQL đã tiến hành mở mang khuôn viên diện tích nuôi thêm giun quế và chăn nuôi gà. Ngoài ra còn trồng thêm các loại rau, quả khác. Nhờ vậy, tạo nguồn thu cho đơn vị, đảm bảo thu nhập cho công nhân làm việc tại đây. Từ đó mỗi người trở nên gắn bó với rừng hơn. Anh Trần Thanh Hải – Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên phấn khởi nói: “Việc chăn nuôi, trồng trọt ở đây không chỉ đưa lại nguồn thu nhập cao mà còn tạo ra được những sản phẩm sạch mà còn bảo vệ môi trường,chất thải từ chăn nuôi giúp cây nhanh xanh tốt hơn. Điều đặc biệt là do có nơi ở cố định, mọi sinh hoạt của chúng tôi đều ở ngay trong trang trại. Vì vậy, mỗi người đều có thể thường xuyên kiểm tra rừng, PCCR, và bảo vệ rừng.

Mô hình nuôi lợn rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên

Là chủ rừng, thực hiện việc quản lý, bảo vệ gần 8.300 ha rừng trên địa bàn 14 xã của huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh; trong đó có tới 12 xã của huyện Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, đơn vị chỉ có 47 cán bộ, công nhân, trong đó có 11 biên chế. Trong điều kiện công việc nặng nề mà điều kiện kinh phí lại hạn hẹp nên việc quy hoạch xây dựng trang trại tăng gia sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu phục vụ cho đời sống của công nhân viên, khai thác tối đa hiệu quả đất rừng mang lại. Đặc biệt, trang trại là nơi làm việc thường xuyên của 5 công nhân nên đã trở thành một điểm chốt bảo vệ, PCCR 24/24h. Việc nuôi động vật hoang dã dưới tán cây rừng cũng đã giảm đáng kể áp lực vây bắt đối với những loài vật này. Ông Nguyễn Văn Thỏa - Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên cho biết thêm: “Lâu nay quỹ đất rừng nhân dân chỉ dùng để trồng cây, còn dưới tán cây rừng chưa phát huy được hết lợi thế. Vì vậy, chúng tôi đã mạnh dạn trong việc tận dụng đất rừng phát triển chăn nuôi, nhất là vật nuôi hoang dã. Việc làm này bước đầu đã có thành công nhất định. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, PCCR. Vì vậy, hiện nay chúng tôi đang tiếp tục xây dựng thêm các ô chuồng tiến tới nuôi hươu và nhím nhằm tăng hơn nữa hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích”.
 
Lâu nay người ta biết đến BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên bởi công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Giờ đây, với sự năng động, sáng tạo và đức tính cần cù các bác, các anh đã xây dựng được mô hình điển hình về chăn nuôi động vật hoang dã và các loại vật nuôi khác. Việc làm đó, là sự tiếp nối lời căn dặn của Bác Hồ “Rừng vàng biển bạc”.
 
 
                        Bài, ảnh: Nguyễn Tâm
Đài PTTH Hà Tĩnh