Về Cẩm Xuyên đi trong ban mai...

Về Cẩm Xuyên đi trong ban mai...
Tháng 4, trời trong xanh. Rảo bước trên những con đường làng đẹp tựa bức tranh của các khu dân cư kiểu mẫu, lòng tôi chợt ngân lên câu hát của nhạc sỹ Nguyễn Sỹ Chinh: “Về Cẩm Xuyên đi trong ban mai/ Trên quê hương đất mẹ anh hùng"…

Địa linh sinh nhân kiệt

Theo dư địa chí Cẩm Xuyên, dưới các triều đại khác nhau lại có sự sắp đặt đơn vị hành chính khác nhau. Dù bao lần nhập, tách, nhiều tên làng cổ nay đã không còn nhưng địa thế Cẩm Xuyên vẫn không hề thay đổi. Vẫn có núi, có sông, có đồng bằng, có biển. Phía Tây là dãy Trường Sơn như bức trường thành vững chãi, phía Đông là hệ thống núi vươn ra biển với các tên gọi thân thương, đầy tâm cảm: Cầm Sơn, hòn Bớc, hòn Én. Suốt dọc bờ biển từ Cẩm Hòa, Cẩm Dương đến Cẩm Lĩnh, con đường ven biển dẫn du khách về với Thiên Cầm - Cửa Nhượng đầy ắp huyền thoại và lễ hội với những đặc sản biển ngon nổi tiếng. Từ ngàn xưa, khoai, lúa Cẩm Xuyên ngon nổi tiếng, đặc biệt là khoai Mục Bài.

Cẩm Xuyên là vùng quê của nhiều danh nhân như Tổng Bí thư Hà Huy Tập; anh hùng Phan Đình Giót, người lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ; nơi sinh thành của các danh tướng Nguyễn Đình Đống, Nguyễn Đình Thạch, Nguyễn Đình Hoàn (thời Lê - Trịnh). Đây cũng là quê gốc của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

ve cam xuyen di trong ban mai

Bình minh Thiên Cầm. Ảnh: Hương Thành

Trong những năm tháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Cẩm Xuyên được cả nước biết đến với truyền thống đánh giặc giữ nước và hiếu học. Bờ biển Cẩm Nhượng thực dân Pháp từng không đứng chân nổi trong một ngày. Tay chài, vai súng, hình ảnh những ngư dân Cẩm Nhượng kiên cường hiện lên trong bài hát “Hà Tĩnh trên đường chiến thắng” của nhạc sĩ Thái Quý: Thuyền về bến, cá đầy khoang, biển rộng soi nắng mới đại dương/ Cẩm Nhượng tung cánh buồm chiến thắng, tay chài vai súng vang câu hò rong khơi. Ngọn đèn làng học Cẩm Bình từng nức tiếng cả nước cùng với nhiều điển hình giáo dục.

Nông thôn ngày mới

Bước vào thời kỳ đổi mới, Cẩm Xuyên là địa phương luôn sẵn sàng đón nhận và đi đầu về những mô hình, điển hình sản xuất. Từ những năm cuối của thế kỷ XX, Cẩm Nam, Cẩm Thành, Cẩm Thăng, Cẩm Yên… đã là những đơn vị đi đầu, bước trước trong việc xây dựng NTM. Hôm nay lại là Cẩm Huy, Cẩm Vịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Duệ…

Sáng nay, trở về Cẩm Duệ, trong không khí háo hức chuẩn bị đón đoàn con cháu của cố Tổng Bí thư về tặng quà cho trường mầm non và dự lễ cắt băng khánh thành cầu Lê Duẩn ở hồ Kẻ Gỗ, ông Hà Huy Kim, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Duệ hồ hởi: - Cẩm Duệ đất cằn sỏi đá, hồi xưa, người dân khổ lắm, sản xuất không đủ ăn. Nay thì đã khác rồi. Nói thật, nếu không có công trình Kẻ Gỗ thì chắc dân cũng phải di cư chứ không bám trụ nổi.

ve cam xuyen di trong ban mai

Thị trấn Cẩm Xuyên

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên tập 3 (1976-2010), có đoạn ghi: “Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ là công trình mang tầm chiến lược quốc gia nên đã được sự quan tâm của cả nước. Ngày 26/3/1976, Bộ Thủy lợi và Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ Tĩnh chính thức khởi công xây dựng. Trong lễ phát động, đồng chí Đặng Thế Phượng - Bí thư Huyện ủy đã kêu gọi “nhân dân Cẩm Xuyên chịu nóng một lát để hưởng mát cả đời”. Với tinh thần đó, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đồng sức, đồng lòng cùng cả tỉnh vượt qua mọi khó khăn để xây dựng công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ nhằm giải quyết vấn đề về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân, xây dựng thủy điện, nuôi trồng thủy sản và điều hòa sinh thái”…

Hồ Kẻ Gỗ tựa bầu vú của người mẹ luôn căng tràn dòng sữa mát lành dành cho các con, đó là vùng đất thuộc huyện Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh và Thạch Hà, trong đó, Cẩm Xuyên được xem như đứa con đầu lòng. Dòng nước Kẻ Gỗ chảy từ miền núi về tới đồng bằng và cả vùng ven biển tựa như mạch máu chảy xuyên suốt cơ thể người để nuôi dưỡng mạch nguồn sự sống. Có nước mát, người dân Cẩm Xuyên, Thạch Hà thả sức phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xây dựng các trang trại, gia trại... Đi dọc kênh N2, con kênh chính của huyện dẫn nguồn nước Kẻ Gỗ về cho các vùng Bắc Cẩm Xuyên, phóng tầm mắt về phía hai bên triền đê sẽ thấy được sự phát triển các mô hình kinh tế do nguồn nước Kẻ Gỗ mang lại như thế nào. Hàng trăm trang trại đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm cho người dân trong vùng. Cẩm Xuyên là một trong những huyện luôn đứng tốp đầu của tỉnh về xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế.

ve cam xuyen di trong ban mai

Hội Nông dân xã Cẩm Huy hỗ trợ giống cây ăn quả cho các hộ gia đình xây dựng vườn mẫu.

Kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng cao; nông thôn đổi mới. Cẩm Xuyên đang tập trung phấn đấu trở thành huyện NTM có các điểm đô thị phát triển vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXI đã đề ra. Hiện huyện đã có 9 xã về đích NTM; 4 xã đăng ký về đích năm 2017.

Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Đặng Quốc Hải nói như khẳng định: “Xã đang tập trung nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được để phấn đấu về đích xã NTM kiểu mẫu năm 2017. Nhìn chung, nền tảng cơ bản đã có; những việc cần đầu tư lớn cũng đã hoàn thành. Cái cần nhất bây giờ là sự vào cuộc của người dân; chỉ có người dân mới hoàn thành được các tiêu chí này và chính người dân là người thụ hưởng thành quả. Trước khi đăng ký về đích xã NTM kiểu mẫu, xã đã tổ chức 4 cuộc họp lắng nghe ý kiến, góp ý của người dân. Rất phấn khởi là người dân đều rất đồng tình và hưởng ứng tích cực”.

Trong những lần nói chuyện với tôi, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Đặng Quốc Cương luôn bày tỏ quan điểm về xây dựng và phát triển huyện nhà. Ông nói, phát triển để hội nhập, bắt kịp xu thế thời đại là yêu cầu tất yếu nhưng phát triển phải đảm bảo các tiêu chí bền vững. Cẩm Xuyên luôn lấy tiêu chí phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là vấn đề chiến lược. Huyện đã và đang tập trung phát triển kinh tế theo tiềm năng, lợi thế của 3 vùng sinh thái (bán sơn địa; đồng bằng; ven biển, cửa sông), tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực theo vùng, đẩy mạnh liên kết, doanh nghiệp hóa trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt về phát triển du lịch, đang mở ra hướng mới đó là phát triển du lịch sinh thái, gắn khai thác tiềm năng khu du lịch Thiên Cầm với du lịch sinh thái Đồng Nôi - hồ Kẻ Gỗ, trong đó, hồ Kẻ Gỗ sẽ là một điểm nhấn, kết hợp với du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh nhân trên địa bàn…

Tháng 4, trời trong xanh. Rảo bước trên những con đường làng đẹp tựa bức tranh của các khu dân cư kiểu mẫu trong không khí hân hoan chào mừng 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn - lòng tôi chợt ngân lên câu hát của nhạc sỹ Nguyễn Sỹ Chinh: “Về Cẩm Xuyên đi trong ban mai/ Trên quê hương đất mẹ anh hùng/ Nơi sinh ra người con kiên trung/ Những ánh sao ngàn năm tỏa sáng”…

 
Theo: Biện Nhung/baohatinh.vn