Biến đồng đất chua phèn thành vùng nuôi trồng thủy sản tiềm năng
- Thứ ba - 12/03/2019 20:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông cho biết: “Ngày chúng tôi quyết định đấu thầu 10 ha mặt nước ở vùng đất này, hầu hết người thân, bạn bè đều can ngăn, có người còn cho rằng chúng tôi không bình thường. Sự băn khoăn, lo lắng của mọi người đều có cơ sở, bởi đây là vùng mặt nước nhiễm chua phèn đã bỏ hoang nhiều năm nay, cây lúa không mọc được, ngay cả cá tự nhiên cũng khó sống. Trong số 7 hồ sơ đấu thầu thì đã có 6 người rút, dù vậy tôi vẫn tự tin bởi ngoài việc đã học qua chuyên ngành về nuôi trồng, tôi cũng có kinh nghiệm thực tế và cũng đã bỏ công sức nghiên cứu đồng đất này”.
Trúng thầu năm 2017, việc đầu tiên của gia đình ông Sơn là thuê người đào đắp nâng độ cao hệ thống bờ bao để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; chỉnh trang, rải hơn 40 tấn vôi bột cải tạo môi trường, ao hồ... Gần 1 tỷ đồng đầu tư, thế nhưng thử thách vẫn "như núi" khi cả 3 lứa cá thả xuống đều chết trắng. Không nản lòng, bố con ông lại miệt mài với việc đo độ phèn, độ chua, tính lượng mưa, thời tiết… để khắc phục. Lứa cá thứ 4 với những giống cá truyền thống như trắm, chép, mè được thả xuống vào cuối năm 2017 ở 4 hồ đã mang đến kết quả khả quan.
Sau những tháng ngày thấp thỏm chờ mong, 2 tấn cá lứa đầu tiên với nguồn thu gần 100 triệu đồng thực sự là động lực để ông nhân rộng nuôi thả thêm ở 3 hồ còn lại. Ngoài việc thả thêm các giống cá leo, cá đối, ông cũng đã dành hẳn 1 hồ ươm cá hương để chủ động giống cho việc mở rộng quy mô nuôi thả sau này.
“Tôi áp dụng hình nuôi quảng canh với mật độ mỗi ao chỉ khoảng 6 ngàn con. Ngoài các loại cám, tôi cũng tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, đó là cỏ năn có sẵn trong hồ. Ưu điểm của các loại như trắm, chép, mè là tạp ăn, dễ kiếm thức ăn và khả năng chống chịu bệnh tật tốt” - Ông Sơn cho biết.
Cùng với việc mở rộng diện tích thả cá, cuối năm 2018, gia đình ông Sơn thả thêm 1.200 con vịt. Không chỉ tạo việc làm cho cả gia đình mà nguồn thu cũng tăng thêm đáng kể với số lượng trứng mỗi ngày hơn 1 ngàn quả, thương lái tìm đến tận nơi để lấy hàng.
Thành công của mô hình đã góp phần thay đổi tư duy, suy nghĩ của bà con trong vùng. Rồi đây, dưới bàn tay của con người, những vùng đồng trũng chua phèn, hoang hóa lâu năm ở xóm Làng Chùa sẽ được đánh thức, trở thành vùng nuôi trồng thủy sản mang lại nguồn thu nhập cao, giúp người dân thay đổi cuộc sống.
Theo: Anh Thư/baohatinh.vn